TĐKT - Sáng 30/6, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Khoa học Công nghệ, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển gạch không nung. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh dự và phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh nhấn mạnh: việc xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý phát triển vật liệu xây dựng, lập quy hoạch, chương trình phát triển vật liệu xây dựng luôn được Chính phủ, Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm do việc sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sống.
Sự phát triển của kinh tế - xã hội, tăng trưởng của thị trường bất động sản dẫn đến nhu cầu vật liệu xây ở nước ta tăng nhanh. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây Việt Nam đến năm 2020 thì nhu cầu sử dụng vật liệu xây là 30 - 33 tỷ viên quy tiêu chuẩn, sẽ tiêu tốn khoảng 50 triệu m3 đất sét, tương đương 2.200 - 2.500 ha đất nông nghiệp; ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia; đồng thời tiêu tốn khoảng 5 triệu tấn than, thải ra khoảng 15 triệu tấn khí CO2, tác động xấu đến môi trường sống. Do vậy, việc phát triển một loại vật liệu xây mới thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung được đặt ra cấp thiết đối với ngành Xây dựng.
Hội thảo Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển gạch không nung
Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010. Thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch triển khai, hỗ trợ phát triển sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia sản xuất vật liệu xây không nung. Đến nay, sau 6 năm thực hiện Chương trình, tổng công suất thiết kế của 3 loại sản phẩm chính (gạch Block xi măng cốt liệu, bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt) đến năm 2015 đạt khoảng 7 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm, sản xuất đạt 5,8 tỷ viên, chiếm khoảng 25% so với tổng sản lượng vật liệu xây năm 2015, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục và cần sự vào cuộc của tất cả các bộ, ban, ngành và các địa phương, đặc biệt là các chủ đầu tư, người sử dụng vật liệu xây không nung. Hệ thống tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm thiết kế, thi công, nghiệm thu các công trình sử dụng vật liệu xây không nung cần được tiếp tục hoàn thiện...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, tham luận về một số nội dung: tiếp tục thực hiện Dự án "Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam" một cách hiệu quả nhất; tăng cường tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện Quyết định 567/QĐ-TTg, Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng về vật liệu xây không nung; tiếp tục thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó có việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, tuân thủ kỹ thuật xây dựng, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo quy định; đóng góp các ý kiến thiết thực hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường phát triển việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung...
Phương Thanh