Gặp mặt các Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc 2020
27/07/2020 - 12:20

TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020). Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương long trọng tổ chức Gặp mặt đại biểu Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) toàn quốc năm 2020 với sự tham dự của 300 Bà mẹ VNAH đại diện cho các Bà mẹ VNAH trên toàn quốc vào ngày 25/7 tại Hà Nội.

Đến dự chương trình có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các cơ quan Trung ương, địa phương...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại chương trình

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn các mẹ dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt, nhưng vẫn không quản ngại đường xá xa xôi về Hà Nội để tham dự hoạt động rất có ý nghĩa. Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ, Thủ tướng đã trân trọng gửi những lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc nhất tới các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ VNAH, các Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công trên toàn quốc.

Thủ tướng cho rằng đây là lần đầu tiên tổ chức gặp mặt các Bà mẹ VNAH, cuộc gặp mặt là sự thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tình cảm chân thành của Đảng, của Nhà nước, của đồng bào, chiến sĩ cả nước đối với các Mẹ VNAH, những người mẹ vĩ đại đã hy sinh thầm lặng, đã cống hiến đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến to lớn bao nhiêu thì nỗi đau và hy sinh thầm lặng của những người mẹ ở hậu phương cũng lớn lao bấy nhiêu, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Con đi trăm núi ngàn khe. Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng Bầm. Con đi đánh giặc 10 năm. Chưa bằng khó nhọc đời Bầm sáu mươi”.

Đến nay, chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương, những mất mát lớn lao vẫn còn đọng lại trong tâm trí của mỗi người chúng ta, nhất là với các Mẹ Việt Nam anh hùng. Dù phần lớn tuổi cao sức yếu song với ý chí nghị lực phi thường, các mẹ đã vượt qua mọi khó khăn, bệnh tật để cùng sống vui sống khỏe và động viên con cháu tích cực học tập, lao động và cống hiến cho xã hội, góp phần xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Đến na,y 97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Tuy nhiên, hiện cả nước còn nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính, vẫn còn những trường hợp chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi, nhiều người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn trong cuộc sống.

Các Mẹ VNAH tham dự cuộc gặp mặt

Thể hiện trách nhiệm lớn lao và tình nghĩa sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của các hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phấn đấu đến hết năm nay bảo đảm 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.   Thứ nhất, tập trung quyết liệt thực hiện công tác xác nhận người có công, giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công. Các địa phương thực hiện phụng dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho các Mẹ Việt Nam anh hùng ở mức tốt nhất, tuyệt đối không để các Mẹ phải sống cô đơn, thiếu thốn, ốm đau không người chăm sóc hằng ngày, quan tâm hơn nữa đến những người, diện người có công khác có hoàn cảnh khó khăn.

Thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tập trung đầu tư trang thiết bị, phương tiện, vật chất, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác giám định gien xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng tại buổi Gặp mặt

Thứ ba, bố trí tăng ngân sách nhà nước với việc đẩy mạnh huy động đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc huy động quản lý, sử dụng nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ, hỗ trợ cải thiện nhà ở xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng, quan tâm, chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở, trước hết là đối với trường hợp còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Thứ tư là nâng cao chất lượng các phong trào, các chính sách hậu phương quân đội, các chương trình tình nghĩa phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội. Đẩy mạnh các chương trình nhà tình nghĩa, đồng đội chăm sóc, tu sửa các nghĩa trang liệt sĩ…

Thứ năm, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và toàn dân trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng; thực hiện tốt việc giám sát quá trình xây dựng và thực hiện; thường xuyên quan tâm nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người có công, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan bảo đảm quyền lợi người có công, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc thực hiện chính sách đối với người có công.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Chương trình

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung chia sẻ trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, những người Mẹ Việt Nam anh hùng nhân hậu, tần tảo, thầm lặng với nỗi đau mất chồng, mất con nơi chiến trường để dệt thêu lên những trang sử hào hùng, chói lọi của mảnh đất hình chữ S. Những người Mẹ chấp nhận chia ly, tiễn chồng, con lên đường để rồi ngày đêm lặng lẽ chăm sóc gia đình, làm kinh tế; làm hậu phương cho tuyến đầu. Những người Mẹ không ngại hiểm nguy, âm thầm nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc, tiếp lương, tải đạn; những người Mẹ trực tiếp đối mặt với quân thù, đánh giặc, bị giặc bắt, tra tấn, tù đày và trở thành thương binh... Những người mẹ âm thầm nuốt nước mắt vào trong, cạn khô dòng lệ khi "bao lần tiễn con đi, bao lần khóc thầm lặng lẽ".

Đất nước hòa bình, nhưng nỗi đau vẫn còn đó, để ghi nhớ công lao to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và để giáo dục truyền thống cách mạng và đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, năm 1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Đến nay sau 25 năm thực hiện, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng gần 140 ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó tỉnh Quảng Nam có số lượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng, truy tặng là 15.261 mẹ, tiếp đó là Bến Tre 6.905 mẹ, Quảng Ngãi 6.802 mẹ, Hà Nội 6.723 mẹ,...

Những năm qua, bên cạnh các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội cũng luôn thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực, những phong trào "Áo lụa tặng bà" của các cháu thiếu nhi cả nước, phong trào "Tấm chăn tặng mẹ" của các tổ chức, đoàn thể xã hội, việc xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng Nhà tình nghĩa, Sổ tiết kiệm tình nghĩa, đăng ký chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời những Bà mẹ Việt Nam anh hùng,...

Buổi gặp mặt là dịp để nhắc nhở thế hệ sau về công tác chăm sóc người có công với cách mạng tiếp tục là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài; là tình cảm, lương tâm và trách nhiệm của mỗi tổ chức, mỗi người dân đất Việt để huy động mọi nguồn lực xã hội trong phong trào đền ơn đáp nghĩa. Góp phần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng truyền thống cách mạng, sự đóng góp, hy sinh của những người và gia đình người có công; đẩy mạnh đền ơn đáp nghĩa để đây thực sự là một nghĩa vụ, bổn phận của tất cả mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh thiếu nhi… qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ.

Hồng Thiết