TĐKT - Sáng 20/7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) họp báo thường kỳ Quý II/2020. Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành chủ trì họp báo.
Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành phát biểu khai mạc họp báo
Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ TNMT đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tiếp tục chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn để kiến tạo, tạo động lực tăng trưởng bứt phá.
Một số kết quả nổi bật là: Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tháo gỡ các nút thắt, rào cản để thúc đẩy đầu tư trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và chủ động đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài. Chủ động, sáng tạo trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô, đề xuất các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, chủ động rà soát đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp, đô thị để đón làn sóng đầu tư... Tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số gắn với cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được đẩy mạnh.
Các nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, nước, tài nguyên biển được sử dụng hiệu quả, trở thành nguồn lực cho phát triển. Công tác bảo vệ môi trường có những chuyển biến tích cực. Dự báo chính xác các xu thế thời tiết, các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động của biến đổi khí hậu và phối hợp tốt với các bộ, ngành địa phương để chủ động điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội, cơ cấu sản xuất, mùa vụ, giảm 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý và trong hoạt động chuyên môn.
Đáng chú ý, Bộ đã trình Quốc hội dự án Luật bảo vệ môi trường với những đột phá về tư duy trong bảo vệ môi trường, đặt môi trường vào vị trí trung tâm của phát triển bền vững; cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục từ 20 - 75 ngày, thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); thay đổi phương thức quản lý hành chính kém hiệu quả, phức tạp sang quản lý dựa vào kết quả, mục tiêu cuối cùng, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Xây dựng nền tảng thể chế phục vụ kiến tạo các mô hình phát triển bền vững như: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải ít các bon. Hình thành các ngành kinh tế mới như: Đầu tư vào vốn tự nhiên, công nghiệp môi trường; hình thành thị trường phát thải.
Đến nay, Bộ đã thực hiện đơn giản hóa 80,1% thủ tục hành chính, bãi bỏ, thay thế 62,6% điều kiện đầu tư kinh doanh, rà soát cắt giảm 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành, qua đó góp phần tiết kiệm được khoảng 1.047 tỷ đồng/năm. Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của Bộ đạt 54,16/62,5 điểm, xếp thứ 7 trên tổng số 17 bộ, cơ quan ngang bộ, tăng 2 bậc so với năm 2018.
Thu ngân sách từ tài nguyên và môi trường đạt 15,46% nguồn thu nội địa; trong đó, riêng thu tiền sử dụng đất tính đến 15/6/2020 đã đạt 57,9 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tăng 6%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn công nghiệp đạt 90%; tỷ lệ tro xỉ được tái sử dụng đạt trên 50%. Số xã đạt tiêu chí chuẩn nông thôn mới về môi trường tăng 8,3%.
Ngành TNMT đã chủ động kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường của các nguồn thải lớn, thiết lập hệ thống gần 900 trạm quan trắc kết nối trực tuyến với các Sở TNMT, Bộ TNMT, có thể theo dõi trên các thiết bị di động...
Phát huy tinh thần chủ động, quyết liệt, sáng tạo, 6 tháng cuối năm 2020, Bộ TNMT sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tiếp tục quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, phát huy tiềm năng, lợi thế về TNMT cho phát triển. Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị và cơ quan thẩm tra của Quốc hội nghiên cứu tiếp thu, giải trình hoàn thiện hồ sơ dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10; hoàn thiện để Thủ tướng sớm ký ban bành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, Nghị định khuyến khích tích tụ tạo thêm dư địa cho tăng trưởng kinh tế; tập trung tổng kết thi hành Luật đất đai... Tiếp tục rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Tập trung triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành để trình phê duyệt vào đầu nhiệm kỳ; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của ngành. Tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính, tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu, xây dựng Chính phủ điện tử và hạ tầng cho chuyển đổi số trong từng lĩnh vực.
Cùng với đó, nghiên cứu các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước; triển khai lập các quy hoạch bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; triển khai các giải pháp đồng bộ để xử lý, tái chế rác thải; tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo, nhất là cảnh báo xa, dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan, nguy hiểm...
Phương Thanh