TĐKT - Nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, những dấu mốc quan trọng trong chặng đường 70 năm xây dựng, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và phát triển (1950 - 2020), sáng 11/7, Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành Hậu cần Quân đội và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã tới dự.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Tổng cục Hậu cần (ảnh: Quang Hiếu)
Tại buổi lễ, thông qua hệ thống kết nối trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đã nghe chỉ huy Cục Quân y của Quân đội nhân dân Lào thông báo kết quả hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Lực lượng Hậu cần quân đội đã trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ chính phủ Lào, quân dân y Lào về kinh nghiệm và các giải pháp cụ thể trong phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, hỗ trợ quân đội Lào nhiều trang bị, tài liệu phòng, chống dịch, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, máy phun phòng dịch… Nhờ vậy, đến nay, Lào đã có 88 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tiếp đó, Thủ tướng và các đại biểu đã nghe Thiếu tá Trịnh Xuân Huân, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa lớn, báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19; công tác đảm bảo đời sống, bảo vệ vững chắc chủ quyền của quân và dân trên đảo. Theo đó, thời gian qua, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo, Ban chỉ huy đảo Trường Sa lớn đã thực hiện tốt công tác hậu cần, nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhân dân đảo. Cán bộ và nhân dân đảo Trường Sa lớn đã thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng về phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm “chống dịch như chống giặc”; đã tổng hợp các biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối đảo, không có ca bệnh lây nhiễm nào đồng thời vẫn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân đi đánh bắt gần khu vực đảo.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng lực lượng quân y của quân đội Lào và Việt Nam hợp tác hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch và mong muốn công tác phối hợp giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp vào truyền thống tốt đẹp giữa lực lượng quân đội hai nước nói riêng, mối quan hệ truyền thống đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.
Thủ tướng cũng đánh giá cao cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa lớn đã có nhiều biện pháp tích cực trong phòng, chống COVID-19, bảo vệ đời sống cho nhân dân trên đảo cũng như góp phần giữ gìn, bảo vệ vùng trời, biển đảo thân yêu của Tổ quốc.
Cũng tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Tổng cục Hậu cần, vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng quân đội và củng cố quốc phòng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích to lớn của ngành Hậu cần Quân đội đã đạt được trong suốt chặng đường 70 năm qua.
Thủ tướng khẳng định 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, ngành Hậu cần Quân đội đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, góp phần cùng toàn dân, toàn quân giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng nhân dân cả nước đồng lòng nuôi quân đánh giặc, ngành Hậu cần Quân đội đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với dân công hỏa tuyến và các lực lượng khác để đảm bảo hậu cần, phục vụ bộ đội chiến đấu trên chiến trường. Thắng lợi chiến dịch Đông Xuân (1953 - 1954) mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử đã cho thấy sự trưởng thành mạnh mẽ và đóng góp quan trọng của lực lượng hậu cần của ta.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành Hậu cần Quân đội đã được xây dựng, phát triển nhanh chóng, trưởng thành, vững chắc trên cả hậu phương lớn của miền Bắc và chiến trường của miền Nam. Kết nối hậu phương với tiền tuyến, nối liền hậu phương quốc gia với nguồn chi viện quốc tế, tạo nên thế hậu cầu hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu chiến đấu của bộ đội ta.
Với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, bộ đội hậu cần đã sát cánh với lực lượng bộ đội khác thiết lập một mạng lưới hậu cần rộng khắp, vươn sâu vào các hướng chiến trường, đặc biệt là tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh trên bộ xuyên dãy Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển được xây dựng thành hệ thống đảm bảo hậu cần hoàn chỉnh, sáng tạo, độc đáo, kịp thời chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc tới tiền tuyến lớn miền Nam. Việc đảm bảo chi viện liên tục, đầy đủ kịp thời hậu cần cho bộ đội đã góp phần quan trọng cho quân và dân cả nước làm lên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Bước sang thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ngành Hậu cần Quân đội đã có những điều chỉnh về tổ chức và lực lượng, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới; tiếp tục phát huy thế mạnh hậu cần, nhân dân gắn với việc xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.
Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, ngành Hậu cần Quân đội đã không ngừng đổi mới phương thức đảm bảo vật chất, hậu cần cho bộ đội phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều loại hình đa dạng, phong phú. Một thế trận hậu cần mới trong thời bình được hình thành, củng cố vững chắc, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận nhân dân vững chắc.
Không chỉ vậy, trên lĩnh vực y tế, ngành Hậu cần Quân đội đã chỉ đạo lực lượng quân y phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế quốc gia, thực hiện hiệu quả Chương trình Kết hợp quân – dân y, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân; đồng thời tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại phái bộ Liên hợp quốc.
Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2020 vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Tổng cục Hậu cần đã kịp thời tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo toàn quân triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh vào đơn vị quân đội. Lực lượng quân y đã nỗ lực chung tay cùng toàn dân, toàn quân ta ngăn chặn, khống chế thành công dịch bệnh, tiếp tục làm ngời sáng hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ đổi mới đất nước.
Để phát huy những thành tích đạt được, Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, ngành Hậu cần Quân đội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, nhất là đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, hành động của toàn ngành.
Đồng thời chủ động, nhạy bén nghiên cứu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để tham mưu với Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống tổ chức hậu cần quân đội và hậu cần nhân dân vững chắc; trong xây dựng chiến lược, kế hoạch đảm bảo hậu cần cho chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng các phương án đảm bảo hậu cần phù hợp với bố trí chiến lược nền quốc phòng toàn dân và chủ trương phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng, an ninh.
Ngành Hậu cần Quân đội cũng cần kiện toàn hệ thống tổ chức hậu cần các cấp trong toàn quân theo hướng tinh, gọn, mạnh, thống nhất chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ điều chỉnh tổ chức và lực lượng toàn quân.
Tuệ Minh