20 năm gắn bó với các điểm trường vùng cao Nghệ An, hành trang thầy giáo Lương Trung Thành (Trường Tiểu học Tri Lễ 2, huyện Quế Phong) mang theo mỗi khi đến lớp không chỉ là ba lô quần áo, đôi ủng, cây gậy phòng khi trời mưa, đường trơn trượt mà còn là cả tấm lòng, sự nhiệt huyết. Chẳng quản ngại gian khó, nề hà vất vả, hàng chục năm qua, thầy giáo người Thái vẫn ngày ngày bám trường, bám lớp, gieo chữ cho những đứa trẻ vùng biên.
Ươm cho con chữ “nảy mầm”
Sinh ra và lớn lên tại chính vùng biên Tri Lễ, phải vượt qua rất nhiều khó khăn để có thể theo đuổi con đường học chữ và ước mơ chinh phục kiến thức, thầy giáo Lương Trung Thành luôn khát khao đem con chữ, đem văn minh mới về cho đồng bào, con em nơi quê nhà.
Chính bởi vậy, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm năm 1999, về dạy học ngay trên chính quê hương mình, thầy đã không ngần ngại xung phong tới các điểm trường xa xôi nhất. Không điện, không nước, không sóng điện thoại, thậm chí thiếu cả đường đi, thầy vẫn kiên trì bám trụ. Hình ảnh những đứa trẻ đến trường không có dép, không có áo ấm vào mùa đông, thiếu sách vở, đồ dùng học tập… luôn thường trực trong tâm trí, thôi thúc thầy không ngừng nỗ lực.
Thầy giáo Lương Trung Thành với những học sinh dân tộc Mông tại điểm trường Pà Khốm, trường Tiểu học Tri Lễ 2, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An
“Trong những buổi lên lớp, nhìn những đôi chân trần, những manh áo mỏng của các em trong cái lạnh giá của vùng cao, tôi thật sự rất xúc động. Tôi tự hứa với mình, sẽ cố gắng hết sức có thể để giúp các em vượt khó vươn lên trong học tập, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn...” – Thầy chia sẻ.
Năm 2004, thầy được cử vào làm Hiệu phó Trường Tiểu học Tri Lễ 4, nơi có con đường đi lại khó khăn bậc nhất của miền núi Nghệ An. Không may mắn, đến năm 2008, trong một lần từ trường về nhà, thầy ngã xe và bị gãy xương đùi. Sau vụ tai nạn, việc đi lại gặp khó khăn, thầy được ngành giáo dục địa phương tạo điều kiện cho quay ra dạy học tại Trường Tiểu học Tri Lễ 2. Với vốn tiếng Mông thành thạo, nhiều năm liền thầy được cử vào dạy tại điểm lẻ Pà Khốm.
Điểm trường bản Pà Khốm cách trường chính khoảng 15 km, có khoảng 60 học sinh người dân tộc Mông và 5 giáo viên thường xuyên cắm bản. Pà Khốm có khí hậu khắc nghiệt về mùa lạnh, có những lúc nhiệt độ xuống thấp nên chuyện nước suối đóng băng hay tuyết rơi là điều rất bình thường. Mùa mưa, đường lầy lội, trơn trượt.
“Đã là giáo viên ở vùng cao, đừng nói đến đường sá bởi khó khăn vất vả không chỉ mỗi đường mà cái gì cũng thiếu, thiếu nơi dạy khang trang, thiếu sóng điện thoại, ngôn ngữ, thậm chí là thiếu cả học sinh để dạy”- thầy giáo Lương Trung Thành chia sẻ.
Thực vậy, với những thầy cô ở Pà Khốm, thiếu thốn cơ sở vật chất không đáng lo bằng thiếu học sinh để dạy. Cư dân ở đây hoàn toàn là đồng bào dân tộc Mông, các gia đình trong bản đều thuộc diện đói nghèo và phải lo chạy ăn từng bữa. Phần lớn bà con vẫn chưa ý thức được việc học tập của con em mình, chưa bảo ban con trong học tập. Do đó, tình trạng học sinh tự ý bỏ học vẫn xảy ra.
Ngoài giờ lên lớp, thầy cùng đồng nghiệp phải chia nhau đến từng hộ gia đình vận động các em học sinh đi học lại. Có những thời điểm lán trại của gia đình các em ở sâu trong rừng, thầy phải lội bộ cả ngày đường để đi tìm học sinh. Trong những mái nhà lụp xụp, điện không có, thầy trò phải thắp sáng bằng chiếc đèn tự chế từ vỏ lon nước ngọt để hoàn thành bài học.
Vì tương lai tươi sáng
Mong muốn giúp các em vượt khó, thầy nảy ý định đi xin quần áo, giày, dép, đồ dùng học tập cho các em. Khi có sóng điện thoại, có mạng xã hội, thầy đăng lên trang cá nhân của mình những hình ảnh, clip ngắn ghi lại sự thiếu thốn và kêu gọi các đơn vị, cá nhân hảo tâm giúp đỡ. Từ dăm ba món đồ quyên góp được từ một vài người bạn của thầy vào những ngày đầu, dần dần, năm nào học sinh của thầy cũng nhận được nhiều quần áo, giày dép, đồ dùng học tập mới.
Trước đây, điểm trường Pà Khốm được làm bằng gỗ tạp. Hàng năm, chính quyền địa phương phải huy động bà con nhân dân trong bản góp công sửa chữa. Tuy nhiên, ngôi trường cũ kỹ đã xuống cấp, gây nhiều khó khăn trong quá trình giảng dạy và học tập. Nhất là những lúc trời mưa, sương mù dày đặc, phòng học không nơi nào không ướt. Các em học sinh cũng không thể mở sách ra để học bài vì sợ sách vở bị ướt. Nhưng tấm áo mưa không đủ để che cả căn phòng nên nó được ưu tiên mắc lên trên nơi các thầy cô để sách vở và tài liệu phục vụ công tác dạy học, vì đó là tài sản quý giá nhất đối với các thầy cô nơi đây.
Trong ánh đèn leo lét, thầy vẫn miệt mài truyền thụ kiến thức cho học sinh
Không đành lòng chứng kiến các em học sinh với những tấm áo mong manh phải ngồi hứng mưa ngay trong lớp học, thầy quay lại clip và phát trên trang cá nhân của mình, kêu gọi các tổ chức, cá nhân quan tâm giúp đỡ. Dòng chia sẻ của thầy: “Trời ơi! Xin đừng mưa và gió nữa làm ướt hết sách vở của các em rồi đây này” đã đánh thức lòng trắc ẩn của bao trái tim nhân hậu.
Với sự đầu tư của các tổ chức, sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, người dân đóng góp sức lao động, công trình điểm trường Pà Khốm với 5 phòng học kiên cố đã được khánh thành vào cuối năm 2016. Sau đó 2 năm, nhà công vụ dành cho giáo viên cũng được hoàn thành. Ngày 16/8/2019, công trình xây dựng sân trường tại điểm trường Pà Khốm chính thức được khởi công xây dựng. Những khối bê tông đầu tiên được đổ xuống xóa sạch những vũng lầy trong niềm hân hoan, vui sướng của thầy và trò nơi đây. Có được điểm trường mới, khang trang sạch sẽ, các em học sinh Pà Khốm đến trường đông đủ, học tập tốt hơn.
Thầy và trò đã được dạy và học trong ngôi trường kiên cố.
Mặc dù vậy, con đường theo đuổi cái chữ của các em học sinh vùng cao vẫn còn nhiều gian nan, vất vả, đòi hỏi sự cố gắng không ngừng của cả thầy và trò. Cuộc hành trình ở phía trước vẫn còn dài nhưng chắc chắn rằng, những tháng ngày gieo chữ ở bản, những ngày đi vận động các em đến lớp, đi xin quần áo, sách vở cho các em, những năm tháng cùng đói, cùng khổ với dân bản sẽ mãi là những kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp “trồng người” của thầy giáo Lương Trung Thành.
Phương Thanh