TĐKT - Sáng 11/6, tại Hà Nội, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức Lễ khai giảng Chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử. Lớp học sẽ diễn ra trong 2 ngày với sự tham gia của 100 học viên là trưởng/phó phòng công nghệ thông tin (CNTT) hoặc Giám đốc Trung tâm CNTT và Truyền thông của các đơn vị chuyên trách CNTT của các bộ, ngành và các Sở TTTT.
Lễ khai giảng Chương trình
Ngày 28/12/2019, tại Bộ TTTT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khởi động Chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử nhằm đào tạo các cán bộ CNTT trở thành lực lượng nòng cốt, là các hạt nhân triển khai Chính phủ điện tử tại bộ, ngành, địa phương.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, do tình hình dịch Covid-19, Cục Tin học hóa đã tổ chức các khóa học trực tuyến cho học viên thông qua hệ thống đào tạo từ xa. Đánh dấu ngày 56 liên tiếp không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, Cục Tin học hóa triển khai lớp đào tạo trực tiếp cho 100 chuyên gia về Chính phủ điện tử.
Tại khóa học này, các học viên sẽ được nghe các chuyên đề về: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; giới thiệu Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 và hướng dẫn các bước xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử; hướng dẫn triển khai về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; hướng dẫn triển khai quy định về lập đề cương dự toán chi tiết với hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí thường xuyên thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; hướng dẫn triển khai về chi phí thuê dịch vụ; hướng dẫn triển khai Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh; đảm bảo an ninh, an toàn hạ tầng nền tảng Chính phủ số ứng dụng điện toán đám mây.
Cũng trong chương trình này, các học viên sẽ được tham quan khảo sát thực tế tại Trung tâm Dữ liệu điện toán đám mây của Công ty CMC Telecom.
Khóa đào tạo sẽ mang lại cho các thành viên tham gia Chương trình những kiến thức chuyên sâu và bài học kinh nghiệm để có phương án giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn triển khai Chính phủ điện tử ở bộ, ngành, địa phương mình.
Các học viên tham gia Chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử sẽ nỗ lực góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ đề ra: Phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số và xã hội số, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc đến năm 2025.
Phương Thanh