TĐKT - Những ngày tháng Năm lịch sử, nắng như đổ lửa, nhưng thời tiết không giảm được khí thế và nhiệt huyết của chúng tôi về Vĩnh Lộc nơi miền đất có nhiều di tích lịch sử, có Thành nhà Hồ một di tích quốc gia nổi tiếng đã được thế giới ghi nhận, nơi có nhiều tiềm năng trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Làng nghề mây tre đan xuất khẩu xã Vĩnh Hòa (ảnh: Minh Thành)
Vĩnh Lộc là huyện trung du miền núi của tỉnh, cách thành phố Thanh Hóa 45 km về phía Tây; tổng diện tích tự nhiên 15.772,03 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 11.262,5 ha; dân số 85.873 người, có 2 dân tộc chủ yếu là Kinh và Mường; toàn huyện có 15 xã và 1 thị trấn (trong đó có 6 xã miền núi).
Năm 2010 Vĩnh Lộc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới với mục tiêu xây dựng huyện có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến nay diện mạo nông thôn của huyện Vĩnh Lộc đã có sự thay đổi toàn diện, mạnh mẽ. Tháng 11 năm 2019, Vĩnh Lộc được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp, liên kết sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng hiệu quả. Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Đặc biệt, nhận thức của người nông dân đã từng bước chuyển sang tư duy sản xuất hàng hóa. Quy mô, chất lượng giáo dục - đào tạo giữ vững và ổn định.
Thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng 3,17 lần so với năm 2010. Giá trị xuất khẩu tăng từ 2,55 triệu USD năm 2010 lên 57 triệu USD năm 2018. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng từ 29,8 tỷ đồng năm 2010 lên 263,17 tỷ đồng năm 2018. Huy động vốn đầu tư tăng từ 365 tỷ đồng năm 2010 lên 1.135 tỷ đồng năm 2018. Tỷ lệ thôn đạt tiêu chuẩn văn hóa tăng từ 54,68% năm 2010 lên 100% năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,43% năm 2010 xuống còn 4,12% năm 2019…
Năm 2018, huyện Vĩnh Lộc được xếp thứ nhất trong Cụm thi đua số 2 của tỉnh (gồm 8 huyện), tăng 2 bậc so với năm 2010.
Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện: Giao thông, thủy lợi đáp ứng yêu cầu đi lại thuận tiện và thuận lợi cho sản xuất; trường, trạm, nhà văn hóa các thôn được đầu tư xây dựng khang trang, chợ nông thôn được xây mới, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu giao thương, buôn bán của người dân, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh; công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; đánh giá, quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ được quan tâm; công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng được duy trì.
Tình hình quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội luôn được duy trì ổn định.
Có thể khẳng định nhờ có chủ trương xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước, đến thời điểm này, tình hình nông thôn của Vĩnh Lộc ổn định, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị; không có đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh liên quan đến thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Mô hình sản xuất dược liệu sâm báo
Theo bà Vũ Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Phát huy kết quả đạt được, Vĩnh Lộc phấn đấu đến hết năm 2020 có 3 xã hoàn thành bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Từng bước xây dựng huyện Vĩnh Lộc đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch.
Huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân của huyện đạt 15% trở lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó: nông - lâm - thủy sản: 24,8%, công nghiệp - xây dựng: 40,7%; dịch vụ - thương mại: 34,5%. Từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 46 triệu đồng/người/năm, cơ bản không còn hộ nghèo NTM. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, tập trung xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ưu tiên phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là nông nghiệp sạch, an toàn gắn với phát triển du lịch, thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Khai thác, phát huy, sản phẩm phẩm văn hóa; đẩy mạnh bảo vệ môi trường, cảnh quan khu dân cư, đảm bảo an ninh trật tự trên các lĩnh vực, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống trong nhân dân.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 có 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người, ước đến năm 2025 đạt 80 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,5%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 97 %. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đạt trên 100%.
Để đạt được mục tiêu chung huyện đề ra một số nhiệm vụ giải pháp thực hiện đó là:
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu theo quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị theo nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/01/2019 của BCH Đảng bộ tỉnh; chỉ đạo thực hiện nhân rộng các mô hình đã có hiệu quả, để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tập trung xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp, ứng dụng cao gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, quan tâm thu hút, kêu gọi nhà đầu tư đề xuất với tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ để phát huy tiềm năng, lợi thế của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Tập trung chỉ đạo công tác bảo vệ an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, trong đó chỉ đạo việc thực hiện nghiêm các tiêu chí về an toàn thực phẩm ở các xã, thị trấn; giải quyết tốt vấn đề xử lý rác thải, vệ sinh môi trường nông thôn, đảm bảo duy trì thường xuyên.
Tiếp tục thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực, trong đó, chú trọng khai thác sử dụng hiệu quả nguồn lực, thu hút, khai thác quỹ đất để xây dựng kết cấu hạ tầng và nâng cao các tiêu chí.
Do có định hướng tốt và nhiệm vụ giải pháp cụ thể nên 6 tháng đầu năm 2020 mặc dù khó khăn do đại dịch Covid-19 và thời tiết khắc nghiệt nhưng kinh tế xã hội của Vĩnh Lộc vẫn phát triển bền vững. Tốc độ tăng giá trị sản xuất (theo giá 2010) ước đạt 11,01% (KH năm 15,4%), giảm 3,03% so với cùng kỳ do kinh tế chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó: Ngành Nông, Lâm, Thủy sản tăng: 2,27% (CK tăng 4,36%); Công nghiệp - Xây dựng tăng 16,3% (CK tăng 20,51%); các ngành dịch vụ tăng 14,57% (CK tăng 18,85%).
Các ngành, lĩnh vực đã dần phát triển ổn định trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 879,2 tỷ đồng, bằng 44,6% KH, tăng 15,9% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu về chợ an toàn thực phẩm tiếp tục được duy trì, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn được chỉnh trang, cải tạo và sắp xếp lại hoạt động đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Chỉ đạo thực hiện tốt việc kiểm soát thị trường, chống buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại. Kiểm tra, xử lý 7 vụ, nộp ngân sách nhà nước 15,2 triệu đồng. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, không xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, các nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được thực hiện phù hợp với diễn biến, tình hình của dịch bệnh. Thu ngân sách nhà nước tại địa bàn vượt so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Chế độ chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là đảm bảo đời sống cho người dân trước tình hình dịch bệnh Covid-19; kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch xảy ra trên địa bàn.
Với những thành tích kết quả và kinh nghiệm đạt được trong 10 năm qua, trong thời gian tới Vĩnh Lộc kiên quyết khắc phục bằng được những tồn tại, hạn chế trong xây dựng NTM, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG xây dựng NTM ở giai đoạn tiếp theo, đồng thời với đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Anh Minh