TĐKT - Từ những vỏ sầu riêng được thải loại trong quá trình sản xuất, Nhóm nghiên cứu Trường THPT Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) đã biến thành “than sạch”, không chỉ mang lại ứng dụng cao mà còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Đề tài này được thầy Huỳnh Minh Huy, giáo viên bộ môn Hóa, Trường THPT Cái Bè cùng một số em học sinh giỏi môn Hóa thực hiện.
Thầy Huy (bên phải) kiểm tra sản phẩm than làm ra
Nói về ý tưởng, thầy Huỳnh Minh Huy, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ: Trên địa bàn huyện Cái Bè có nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm từ sầu riêng. Hàng năm, lượng vỏ sầu riêng mà những cơ sở này thải ra khá lớn. Hầu như việc tái chế những phế phẩm này còn bỏ ngỏ. Tuy một lượng nhỏ vỏ sầu riêng được nông dân tận dụng để ủ làm phân bón lót, nhưng hiệu quả không cao và gây ô nhiễm môi trường nước, không khí vì có mùi hôi khó chịu. Trước thực trạng ấy, tôi đã suy nghĩ cần phải tìm ra cách nào đó để tận dụng, tái chế được nguồn nguyên liệu lớn này.
Nghĩ là thực hiện, thầy Huy bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu. Trong quá trình tìm hiểu, đọc qua sách, báo thầy Huy biết thông tin vỏ chuối đã từng được dùng để chế tạo ra than.
Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về đặc tính của vỏ sầu riêng, thầy Huy cùng nhóm nghiên cứu nhận thấy vỏ sầu riêng cũng có chất kết dính tương tự như vỏ chuối. Vậy là ý tưởng chế tạo than từ vỏ sầu riêng ra đời.
Sau một thời gian nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc ý tưởng, Nhóm đã hoàn thiện quy trình sản xuất và cho ra đời những viên than đầu tiên làm từ vỏ sầu riêng.
Chia sẻ về quy trình sản xuất than từ vỏ sầu riêng, thầy Huy cho biết: Quy trình sản xuất than tổ ong từ vỏ sầu riêng khá đơn giản. Vỏ sầu riêng sau khi được thu gom từ các cơ sở thu mua trái cây được đưa vào máy xay nhuyễn cùng với vỏ chuối. Tiếp đến, vỏ sầu riêng và vỏ chuối đã được xay nhuyễn trên trộn với đất sét và mùn cưa lần lượt theo tỷ lệ khối lượng là 7:1:1:1. Hỗn hợp trên sẽ được đưa vào khuôn ép để tạo hình than tổ ong. Sau khi được ép tạo hình, than tổ ong làm từ vỏ sầu riêng được phơi khô trong 10 ngày sẽ cho ra thành phẩm.
Loại than này có thể cháy liên tục trong 45 phút. Tuy thời gian cháy ít hơn so với than bùn cùng kích thước khoảng 15 phút, nhưng than làm từ vỏ sầu riêng có khả năng bắt lửa nhanh hơn… Không chỉ vậy, hiệu suất tỏa nhiệt của than làm từ vỏ sầu riêng đạt xấp xỉ từ 80% - 90% so với than tổ ong làm từ than bùn cùng kích thước. Đặc biệt, than tổ ong làm từ vỏ sầu riêng khi đốt ít gây độc hại hơn rất nhiều so với than bùn.
Ngoài ưu điểm về chất lượng, than tổ ong làm từ vỏ sầu riêng được làm từ nguồn nguyên liệu dễ tìm, có sẵn tại địa phương, thời gian sản xuất ngắn nên giá thành sản xuất thấp và hiệu suất đạt được rất cao khi đầu tư sản xuất với quy mô lớn.
“Sản phẩm này đã được đưa vào sử dụng và được người dân đánh giá cao về khả năng tỏa nhiệt cùng tính thân thiện với môi trường.”- thầy Huy vui vẻ chia sẻ.
Đề tài than tổ ong làm từ vỏ sầu riêng của Nhóm nghiên cứu đã đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XIII (2018 - 2019).
Có thể nói, việc chế tạo than từ vỏ sầu riêng đã mở ra xu thế mới trong việc sản xuất chất đốt từ vỏ thực vật. Việc này sẽ giúp thay thế dần việc sử dụng than tổ ong thông thường, đảm bảo sức khỏe con người, giảm bớt ô nhiễm môi trường và tạo hướng nghiên cứu mới về các nguồn năng lượng thay thế.
Chia sẻ về hướng phát triển đề tài, thầy Huy cho biết, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng đề tài để có thể sản xuất thêm các sản phẩm than làm từ vỏ mít và lõi ngô để tăng tính ứng dụng của đề tài.
Bảo Linh