TĐKT - U nguyên bào tủy là một khối u nguyên phát ở hệ thống thần kinh trung ương. Khối u phát triển từ não hoặc tủy sống; phân loại độ IV, là khối u ác tính, phát triển và tái phát nhanh. U nguyên bào tủy có thể gặp ở người lớn và trẻ em, nhưng hay gặp ở trẻ em nhiều hơn. Ở người lớn, u nguyên bào tủy thường gặp ở độ tuổi 20 - 40, hay gặp ở nam nhiều hơn nữ.
PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần Kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, cho đến nay, nguyên nhân gây ra bệnh này vẫn chưa được biết rõ. Có một tỷ lệ nhỏ mắc bệnh ở trẻ em có liên quan đến đột biến gien, phát triển từ thời kỳ phôi thai.
U nguyên bào tủy phần lớn là ở tiểu não (phần thấp phía sau của não), tiến triển rất nhanh. Tế bào thường lan tràn theo dịch não tủy - chất lỏng bao quanh não và tủy sống. Khối u này hiếm khi di căn đến các cơ quan khác của cơ thể ngoài hệ thống thần kinh trung ương.
Đặc biệt, do khối u thường phát triển từ tiểu não nên người bệnh thường có các triệu chứng: Đi lại khó, mất thăng bằng, mất điều hòa các động tác của chi. Nếu khối u lớn sẽ gây chèn ép và gây tắc lưu thông của dịch não tủy, đau đầu; nôn, buồn nôn; nhìn mờ, nhìn đôi; rối loạn nhận thức; hôn mê, thậm chí tử vong.
PGS. TS. Đồng Văn Hệ khám cho người bệnh
Nếu khối u đã lan tràn đến tủy sống, có thể gây các triệu chứng do tổn thương tủy như: Đau lưng, yếu liệt tay/chân, rối loạn đại tiểu tiện.
Để chấn đoán u nguyên bào tủy, phương pháp chụp Cộng hưởng từ (MRI) là quan trọng nhất. Cộng hưởng từ giúp đánh giá chính xác hình ảnh, vị trí, kích thước, mức độ xâm lấn của khối u. Chụp cộng hưởng từ cả não và toàn bộ tủy sống là cần thiết để chẩn đoán bệnh.
Bên cạnh đó, các bác sĩ có thể chẩn đoán xác định mô bệnh học của u (là tế bào u gì) dựa vào kết quả đọc giải phẫu bệnh sau khi lấy bệnh phẩm u để xác định bản chất u và phân loại u, giúp tiên lượng và hướng điều trị; chọc dịch não tủy: Xét nghiệm dịch não tủy lấy từ tủy sống, kiểm tra sự lan tràn của tế bào u xuống tủy sống, thường thực hiện sau phẫu thuật.
Dựa vào kích thước, vị trí, độ tuổi của người bệnh và tình trạng sức khỏe, bác sĩ có các lựa chọn điều trị cho phù hợp, nhưng phần lớn các trường hợp là lựa chọn phương pháp phẫu thuật. Mục đích của phẫu thuật nhằm loại bỏ tối đa khối u, giảm chèn ép não, có bệnh phầm để xác định bản chất u dựa trên giải phẫu bệnh. Trong các trường hợp khi khối u lớn, chèn ép, gây giãn não thất (ứ nước não tủy trong não), người bệnh có biểu hiện cấp cứu, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật dẫn lưu nước não tủy trước để làm giảm chèn ép hoặc phẫu thuật đồng thời với phẫu thuật cắt u.
Các điều trị bổ trợ sau phẫu thuật: Xạ trị bằng các chùm tia năng lượng cao như tia X hoặc proton; xạ trị ổ mổ phần u còn lại sau phẫu thuật; xạ trị toàn não và tủy khi có khối u có xuất hiện tại các vị trí khác của não và tủy sống; hóa trị: Dựa vào phân loại mô bệnh học (phân loại dưới nhóm) của tế bào u để lựa chọn điều trị. Các thử nghiệm lâm sàng: Nếu người bệnh đủ điều kiện tham gia các thử nghiệm lâm sàng sau phẫu thuật, điều trị xạ trị, hóa trị, sẽ giúp tìm ra các phương pháp điều trị mới khác nhau.
Nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về cách phòng, chăm sóc và điều trị các loại bệnh về thần kinh, ngày 28 tháng 3 năm 2020, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức chương trình KHÁM VÀ TƯ VẤN MIỄN PHÍ BỆNH LÝ U NÃO với chủ đề “CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH LÝ U NÃO”. Đến với chương trình, người dân sẽ được khám và tư vấn miễn phí cùng các chuyên gia hàng đầu về thần kinh nhằm phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời các bệnh lý như: U màng não, u thần kinh đệm, u tuyến yên, u sọ hầu, u nền sọ.
Đặc biêt, 10 người dân đầu tiên đăng ký qua tổng đài 19001902 có chỉ định sẽ được chụp Cộng hưởng từ/MRI miễn phí.
Thời gian khám: Ngày 28 tháng 3 năm 2020 (Thứ Bảy)
Địa điểm: Phòng khám 11, Tầng 2, nhà C4, Khu khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội.
Đăng ký trực tiếp qua Tổng đài CSKH 19001902.
Hồng Thiết