TĐKT - Chưa đầy 3 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng (xóm Bưng, xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) do chị Quách Thị Hòa sáng lập đã được người tiêu dùng gần xa biết đến và yên tâm sử dụng sản phẩm. Nhiều hộ dân tham gia HTX đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Chị Quách Thị Hòa cũng thành viên HTX kiểm tra chất lượng gà
Xã Hương Nhượng có địa hình đồi núi, thoáng mát, thuận lợi để phát triển chăn nuôi gà đồi theo hướng nuôi thả tự nhiên. Nhận thấy tiềm năng ấy, người dân xóm Bưng từ lâu đã đầu tư nuôi gà. Tuy nhiên trước đây, các hộ chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát nên tiêu thụ bấp bênh, bị tư thương ép giá. Bên cạnh đó, do bà con chưa có kỹ thuật kiểm soát giống, thức ăn nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.
Trước thực tế đó, các hộ chăn nuôi trong xóm đã thành lập “nhóm sở thích” gồm 12 hội viên nông dân. Các hộ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau nên chăn nuôi có bước phát triển khá. Tháng 8/2016, nhóm đã đăng ký “Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững” tại Hà Nội, được lọt vào vòng chung kết và đạt giải Ba.
Cuối năm 2016, HTX chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng chính thức được thành lập, trở thành “bà đỡ” cho các hộ dân phát triển kinh tế. Từ khi HTX được thành lập các thành viên trong nhóm đã được học về kỹ thuật chăn nuôi, nhờ đó năng suất gà tăng, quy mô ngày càng mở rộng.
Hiện nay, HTX có 12 hộ gia đình thành viên và đang tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên và 50 lao động thời vụ, 60% trong số đó là nữ giới. Ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh tập thể, HTX còn có các hoạt động chăm lo đời sống xã viên và người dân trong cộng đồng như hỗ trợ gà giống cho các gia đình khó khăn, cấp học bổng cho học sinh giỏi…
Sản phẩm của HTX là các loại gà bản địa Lạc Sơn, gà mía, gà ri có chất lượng thịt thơm ngon và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Gà giống được tuyển chọn nghiêm ngặt để đảm bảo mang lại những lứa gà đồi khỏe mạnh, chất lượng, an toàn với người tiêu dùng. Chuồng trại chăn nuôi được bố trí khoa học, ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè và đặc biệt nơi đặt chuồng của các hộ gần đồi núi, nhiều bóng cây mát.
Gà con sau 20 ngày quây nhốt nuôi úm sẽ được thả ra đồi núi làm quen với môi trường để gà tự tìm kiếm thức ăn ngoài tự nhiên. Đồng thời hàng ngày gà được bổ sung thêm thức ăn ngô, cám. Để tránh nguy cơ gà thả ngoài trời mắc bệnh do thay đổi thời tiết, các hộ chăn nuôi đã bổ sung dinh dưỡng qua thức ăn kết hợp với cách phòng, chữa bệnh dân gian bằng một số loại thảo dược như ti, lá xạ đen, lá ổi và các lá có vị chát…, ít khi sử dụng các loại thuốc kháng sinh. Nhờ vậy mà gà luôn khỏe mạnh, đảm bảo an toàn về chất lượng thịt khi xuất bán.
Trong quá trình tổ chức hoạt động, HTX luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh chuồng trại, tuyên truyền, hướng dẫn hội viên giữ vệ sinh chuồng nuôi, khu vực xung quanh, đồng thời phun thuốc tiêu độc khử trùng theo định kỳ tại khu vực nuôi nhằm đạt hiệu quả cao nhất và đưa ra được sản phẩm gà đồi an toàn tới tay người tiêu dùng.
Theo chị Quách Thị Hòa – Giám đốc hợp tác xã, trước đây, gà chỉ nuôi khoảng 3 đến 4 tháng là bà con đã cho xuất chuồng, do vậy, thịt gà chưa đạt được độ dai, ngon. Tuy nhiên, hiện nay, sau 5 tháng, người nuôi mới hoàn thiện một lứa gà thịt, cho chất lượng và giá bán cao hơn.
Chị Quách Thị Hòa giới thiệu sản phẩm của HTX tại các Hội chợ triển lãm
Trung bình, gà ri đạt trọng lượng từ 1,2 đến 1,5 kg sẽ được xuất bán cho thương lái với giá 100.000 đồng/kg. Giống gà lai mía, gà lai Dabaco có thể đạt trọng lượng tới 1,8 kg nhưng giá bán thấp hơn, dao động 80.000 - 90.000 đồng/kg. Với mỗi con gà, người nuôi có thể lãi tối đa 67.000 đồng.
Với chiến lược phát triển hiệu quả, chỉ một năm sau khi chính thức thành lập, doanh thu của HTX đã đạt 2,9 tỷ đồng, lợi nhuận 600 triệu đồng.
Không chỉ làm tốt trách nhiệm Giám đốc HTX, với vai trò tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm, chị Hòa đã đăng ký vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội số vốn 300 triệu đồng cho 9 hộ thành viên vay để đầu tư chăn nuôi gà. Thành viên khi vào HTX, những vấn đề thị trường, giá cả không còn phải lo. Trong sản xuất, các thành viên luôn tương trợ, đóng góp vốn, góp sức để giúp nhau. Khi có khó khăn, các thành viên cùng họp lại bàn cách giải quyết.
Đến nay, HTX đã xây dựng được nhà giết mổ tập trung, là nơi tập trung hàng cũng như thực hiện các khâu bán hàng. Các hộ gia đình được tham gia rất nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi gà do tỉnh, huyện tổ chức, nắm bắt được nhiều kiến thức trong chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cùng nhau phát triển sản xuất. Điều này hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Chị Quách Thị Hòa cho biết: Để phát triển bền vững, HTX sẽ phân công nhiệm vụ, công việc khoa học với những bộ phận chuyên trách về con giống, thú y, vận chuyển, quảng bá, tiêu thụ…, để tạo vòng tròn khép kín, bảo đảm hỗ trợ nhau kịp thời, hạn chế chi phí trong sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho HTX và các thành viên.
Phương Thanh