TĐKT - Suốt nhiều năm qua, hình ảnh ông Lê Quan Trưởng (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cần mẫn đi bắc cầu, làm từ thiện đã quen thuộc với người dân địa phương và các vùng lân cận xã An Thạnh Trung.
Dù tuổi cao nhưng ông Trưởng vẫn miệt mài xây lên những cây cầu nhân ái
Xuất thân là con nhà nông nên suốt ngày ông “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nhưng nhờ chịu khó làm lụng nên cuộc sống gia đình ông cũng có của ăn của để.
Chia sẻ về ý tưởng đi xây cầu từ thiện, ông Trưởng cho biết: An Thạnh Trung là xã có hệ thống kênh rạch chằng chịt. Người dân phải đi lại, vận chuyển hàng hóa trên những chiếc cầu tạm bợ nên gặp rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn, nhất là các em học sinh mỗi ngày đến trường.
Thấy và hiểu những khó khăn đó nên từ năm 2007, ông bắt đầu đứng ra vận động nhân dân đóng góp cùng với chính quyền địa phương xây những cây cầu chắc chắn, thay thế dần những chiếc cầu tạm bợ, xuống cấp.
Dù chỉ là một nông dân quanh năm gắn bó với ruộng vườn, không được đào tạo bài bản về xây dựng nhưng ông Trưởng đã không ngừng học hỏi, nắm vững kiến thức, kỹ thuật để thiết kế, chỉ đạo thi công, xây lên những cây cầu đẹp, tiết kiệm chi phí, đảm bảo chắc chắn.
Thấy được việc làm ý nghĩa của ông, ngày càng nhiều người nhiệt tình đóng góp tiền và ngày công lao động để cùng ông xây cầu. Hiện đội xây cầu của ông có hơn 40 thành viên và sẵn sàng đi bất cứ đâu khi có yêu cầu.
Không chỉ vận động xây cầu trên địa bàn xã, ông Trưởng còn đứng ra vận động các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm góp tiền bắc cầu cho một số xã thuộc huyện Chợ Mới, thậm chí hỗ trợ cả một số địa phương thuộc tỉnh Đồng Tháp. Nhờ đó, giao thông nông thôn ngày càng được cải thiện, đời sống người dân ngày một phát triển.
Riêng năm 2019, ông đã đứng ra vận động, xây dựng 2 cây cầu treo bắc ngang kênh An Bình và kênh An Tịnh, với tổng chi phí khoảng 150 triệu đồng; cất 1 cầu bê-tông trên rạch Trùm Hóa với kinh phí 504 triệu đồng cùng hơn 700 ngày công lao động.
Ngoài xây cầu, ông còn tích cực tham gia nhiều hoạt động từ thiện, an sinh xã hội khác như dặm vá, rải cát đá đường nông thôn, cất nhà tình thương, sửa chữa trường học, giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học, những gia đình nghèo khó khăn, cùng chính quyền địa phương vận động nhân dân đóng góp xây dựng nghĩa địa nhân dân…
“Trước đó, địa phương có chủ trương xây dựng nghĩa địa nhân dân để giúp đỡ người nghèo có được nơi an nghỉ, thấy đây là việc làm có ý nghĩa, tôi đứng ra vận động người dân quyên góp với số tiền trên 500 triệu đồng, trong đó chi phí mua đất trên 320 triệu đồng để xây dựng…”- ông Trưởng cho biết.
Cũng theo ông Trưởng chia sẻ, chính ông là người đã thiết kế và chỉ đạo thi công xây mới Miếu Thần Nông thuộc ấp An Hồng, xã An Thạnh Trung với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp. Ngôi miếu được xây dựng cách đây hơn 200 năm, gắn bó chặt chẽ với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp suốt lịch sử thành lập miếu. Hàng năm, bà con địa phương đều tổ chức lễ cúng trang trọng cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, xóm làng no ấm.
Không chỉ góp công, góp sức, ông còn tích cực đóng góp tiền vào công tác an sinh xã hội tại địa phương. Mỗi năm ông đóng góp trên dưới 20 triệu đồng để làm từ thiện.
Mặc dù đã có tuổi nhưng tinh thần thiện nguyện, sống vì mọi người của ông Lê Quan Trưởng thật đáng biểu dương. Những việc làm ý nghĩa của ông đã được nhiều giấy khen của các cấp chính quyền địa phương, nhưng với ông Trưởng có lẽ phần thưởng lớn nhất chính là niềm vui của những người có hoàn cảnh khó khăn được ông giúp đỡ.
Tuệ Minh