Tái sử dụng để biến nước thải thành tài nguyên
22/03/2017 - 00:00
TĐKT - Ngày 22/3, tại TP Bắc Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ mít tinh Quốc gia hưởng ứng Ngày nước thế giới 22/3. Dự mít tinh có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến; đại diện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo học sinh trên địa bàn TP Bắc Ninh.

Phát biểu tại lễ mít tinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện đang có hơn 663 triệu người trên toàn cầu phải xếp hàng nhiều giờ, đi bộ cả chục cây số để lấy nước sinh hoạt, đó là chưa kể số người chịu ảnh hưởng tiêu cực do sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn. Trong khi đó, phần lớn nước thải từ các hộ gia đình, các thành phố, các khu đô thị hiện nay trên phạm vi toàn cầu vẫn chưa được xử lý, thải thẳng vào môi trường, làm gia tăng ô nhiễm môi trường và nguồn nước sạch vốn đang ngày càng trở nên khan hiếm dưới tác động của biến đổi khí hậu. Giảm thiểu nước thải, tăng cường xử lý và tái sử dụng nước thải là góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, qua đó nâng cao chất lượng sống của người dân. Với ý nghĩa đó, năm 2017, Liên hợp quốc chọn “Nước thải” làm chủ đề cho Ngày nước thế giới nhằm ủng hộ mục tiêu phát triển bền vững về nâng cao chất lượng nước, giảm thiểu nước thải, tăng cường xử lý và tái sử dụng nước thải với thông điệp quan trọng nhất là giảm thiểu và tái sử dụng nước thải để tránh lãng phí, cải thiện nguồn nước cho các sinh vật sống.

Active Image

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ mít tinh

Là quốc gia nằm ở cuối các lưu vực sông lớn, nguồn tài nguyên nước đang đứng trước rất nhiều thách thức, hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng. Theo đánh giá của Ngân hàng Châu Á, Việt Nam thuộc diện quốc gia thiếu nước. Tài nguyên nước nội địa Việt Nam chỉ đạt mức trung bình kém của thế giới, khoảng 3.600 m3/người/năm, thấp hơn mức bình quân toàn cầu là 4.000 m3/người/năm. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế, sức ép dân số và chất lượng cuộc sống liên tục gia tăng trong những thập kỷ qua dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ hiệu quả, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước gắn liền với công tác bảo vệ môi trường theo phương pháp tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị cộng đồng xã hội cùng chung tay hành động, nỗ lực để giải quyết những thách thức về môi trường nói chung, vấn đề nước thải nói riêng.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh khẳng định: phát triển kinh tế sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu không gắn liền bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống con người, trong đó nước sạch là yếu tố hàng đầu để đảm bảo sức khỏe cho con người - đây không phải là nguồn tài nguyên vô hạn nhưng chắc chắn đó là tài nguyên có thể tái tạo. Trong thời gian tới, Bắc Ninh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện; đồng thời tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức, hành vi của toàn xã hội về giảm thiểu ô nhiễm, tái sử dụng nước thải, sử dụng tài nguyên nước một cách tiết kiệm và hiệu quả, góp phần mang lại lợi ích kinh tế - xã hội to lớn đồng thời phát triển bền vững môi trường.    

Bình Nguyên