TĐKT - Hơn 10 năm nay, chị Lê Thị Ngọc Mai (ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) vẫn miệt mài trồng và chăm sóc vườn thuốc nam để phục vụ miễn phí cho người nghèo.
Chị Mai cùng các chị em phụ nữ chăm sóc vườn thuốc nam
Chia sẻ về cái duyên với trồng thuốc nam, chị Mai cho biết: Bản thân tôi luôn mong muốn có thể giúp đỡ, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2009, trong lần xem thông tin trên báo, đài về các mô hình trồng thuốc nam từ thiện, tôi thấy rất tâm đắc và quyết định chọn công việc này làm công tác thiện nguyện.
Bắt tay vào ý tưởng này, chị đã đầu tư 1000 m2 đất để trồng thuốc nam với mục tiêu cung cấp cho bà con trong tỉnh. Càng ngày, nhu cầu về thuốc nam càng lớn, chị đã tranh thủ sự hỗ trợ đất trồng của chùa Hội Phước, mạnh thường quân để mở rộng diện tích trồng thuốc.
“Khi đó, khu đất của chùa chỉ là vùng đất bỏ hoang. Tôi đã vận động các chị em hội viên phụ nữ ấp bỏ gần 30 ngày công lao động để khai hoang, cải tạo và xin giống cây từ chùa Phước Thiện (Hưng Hội Tự) để trồng.” - chị Mai cho biết.
Ban đầu, do chưa hiểu biết nhiều về cây giống, kỹ thuật chăm sóc, cách làm… nên chị chỉ trồng một số ít loại cây thuốc. Vườn thuốc này một năm có thể cung cấp cho các chùa làm từ thiện khoảng 7 tấn thuốc tươi và 200 kg đã phơi khô.
Sau đó, chị đã tự tìm hiểu, tham khảo sách, báo, kinh nghiệm thực tế và đến tận nơi một số cơ sở thuốc nam để học hỏi, đúc kết kinh nghiệm. Cùng sự ủng hộ của các mạnh thường quân, hội viên phụ nữ tham gia đóng góp công lao động, kinh phí, chị đã nhân rộng vườn thuốc với nhiều chủng loại cây.
Hiện nay, chị đã thành lập được 7 vườn thuốc nam, mỗi vườn có diện tích trên 2000 m2, ước tính hàng năm đáp ứng cho các chùa làm từ thiện được khoảng 24 tấn thuốc tươi và 1 tấn thuốc đã phơi khô với chi phí trên 70 triệu đồng/năm (chi phí ăn uống, bồi dưỡng lao động, phân bón, trừ sâu…)
Không chỉ vậy, nhằm phát huy hiệu quả công tác từ thiện nói chung và công tác khám, chữa bệnh nói riêng, chị đã vận động chị em phụ nữ, các mạnh thường quân đóng góp tiền mặt gây quỹ nhà thuốc với số tiền 40 triệu đồng/năm để giúp người bệnh có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe mọi người ngày một tốt hơn.
Bên cạnh đó, là hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Nam Chánh, chị cùng các chị em trong ấp thành lập Quỹ heo đất “Đập Đá” để góp vốn giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, người nghèo không nơi nương tựa. Số tiền mà các thành viên đóng góp vào quỹ ít hay nhiều tùy theo mỗi người. Với cách làm đầy ý nghĩa đó, đến nay, Quỹ heo đất “Đập Đá” có hơn 200 thành viên tham gia.
Hàng năm, Quỹ heo đất “Đập Đá” đều tham gia các hoạt động từ thiện trong và ngoài tỉnh như: Tham gia cùng Hội chữ thập đỏ tỉnh trong chương trình “Trao niềm hy vọng” với số tiền 51,5 triệu đồng/năm; tham gia phối hợp cùng đoàn Nhịp cầu nhân ái với số tiền 110 triệu đồng/năm; tham gia phối hợp cùng câu lạc bộ Tâm Sen với số tiền 18 triệu đồng/năm.
Chị cũng vận động các thành viên của Hội đóng góp tiền mặt và ngày công lao động cùng với Chùa Hội Phước ủng hộ Nồi cơm từ thiện tại Trung tâm Y tế huyện Trần Đề với số tiền khoảng 16 triệu/năm. Quỹ heo đất “Đập Đá” còn phối hợp cùng các mạnh thường quân, vận động hỗ trợ xây nhà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã trên 40 triệu/năm.
Ngoài ra, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, chị đã tích cực tham gia bằng nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa: Thực hiện tốt các hoạt động tặng quà, trao tiền mặt, thuốc miễn phí, giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn…
“Cứ định kỳ hàng tuần, hàng tháng, tôi cùng các chị em hội viên phụ nữ ấp Nam Chánh đều cố gắng sắp xếp công việc gia đình để tham gia vận động từ thiện trên địa bàn sinh sống và tham gia cùng các đoàn khác trong và ngoài tỉnh đến những nơi có hoàn cảnh khó khăn…” - chị Mai chia sẻ.
Chị còn vận động thành viên của hội tham gia xây dựng nông thôn mới như phát hoang các tuyến đường, phối hợp triển khai các hoạt động từ thiện trong và ngoài tỉnh.
Những việc làm chị Lê Thị Ngọc Mai thật giản dị và gần gũi, nhưng mang ý nghĩa sâu sắc. Với những đóng góp cho công tác từ thiện, chị đã vinh dự nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Nhưng có lẽ, với chị Mai, phần thưởng lớn nhất chính là niềm vui có được từ việc sẻ chia với những mảnh đời khó khăn, là tình cảm yêu mến, cảm phục mà mọi người dành cho chị.
Bảo Linh