TĐKT - Ngày 9/1, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tiền thuật toán và hoạt động tài chính - ngân hàng”.
Hội thảo khoa học với chủ đề “Tiền thuật toán và hoạt động Tài chính - Ngân hàng” do Khoa Ngân hàng tổ chức
Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, những cái nhìn đa chiều về Tiền thuật toán (còn được gọi là tiền ảo) và các hoạt động tài chính - ngân hàng trong những năm gần đây; qua đó giúp cán bộ, giảng viên của Khoa Ngân hàng nói riêng cũng như các vị đại biểu, chuyên gia kinh tế đánh giá, phân tích sâu sắc hơn nữa về vấn đề này.
Tham dự Hội thảo, đại diện Ban Giám hiệu nhà trường có GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị đào tạo, phòng ban chức năng; về phía Khoa Ngân hàng có TS. Phạm Thanh Bình, Chủ nhiệm Khoa cùng các Phó Chủ nhiệm Khoa và tập thể cán bộ, giảng viên của Khoa.
TS. Phạm Thanh Bình, Chủ nhiệm Khoa Ngân hàng phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Thanh Bình, Chủ nhiệm Khoa Ngân hàng mong muốn các bài tham luận được trình bày trong Hội thảo sẽ góp phần đánh giá đúng về Tiền thuật toán, mang đến cái nhìn toàn diện về hình thức, phương thức giao dịch thanh toán của loại hình tiền này trong bối cảnh kinh tế đang phát triển và chịu tác động của nền công nghiệp 4.0 hiện nay.
Mang đến Hội thảo tham luận “Bitcoin, Libra – Tiền thuật toán – Thách thức tư duy chính sách”, ThS. Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, thị trường bitcoin và các tiền ảo khác đã du nhập, hình thành tại Việt Nam từ năm 2013. Mặc dù có rất ít thống kê chi tiết về hoạt động của thị trường song qua số lượng trang thông tin về bitcoin và tiền ảo ngày càng nở rộ trên mạng Internet và việc Việt Nam luôn đứng trong nhóm đầu thế giới về truy cập vào các trang điện tử, các sàn giao dịch lớn trên thế giới như Coinmarketcap, Bittrex có thể đánh giá số lượng người quan tâm đến bitcoin và tiền ảo ở Việt Nam rất lớn và thị trường tiền ảo khá sôi động.
Việt Nam đã có những bước đi ban đầu về việc xử lý các vấn đề của tài sản ảo, tiền ảo bằng việc Thủ tướng Chính phủ có quyết định 1255/QĐ-TTg, ngày 21/8/2018, “Phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”. Chính phủ cũng đã chỉ rõ các bộ ngành chức năng theo nhiệm vụ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, hiện trạng pháp lý trong nước và đề xuất hoàn thiện khung pháp lý cho vấn đề trên. Tuy nhiên, hoạt động quản lý đồng tiền này vẫn còn khá nhiều bất cập, chưa thực sự đồng bộ hóa.
Trong tham luận “Quản lý tiền mã hóa - Kinh nghiệm quốc tế và Khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam” của PGS.TS. Lê Thị Kim Nhung, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Thương mại cho rằng, tiền mã hóa (tiền ảo) là một ứng dụng tiêu biểu của công nghệ số Blockchain trong kỷ nguyên của nền công nghiệp 4.0. Sự xuất hiện của các loại tiền mã hóa là một tất yếu trong quá trình phát triển của hình thái tiền tệ, nó đã đem đến sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử và mở ra cho thị trường tài chính một trang mới.
Trong thời gian qua, tiền mã hóa đã và đang chứng minh ưu, nhược điểm của nó trong nền tài chính hiện đại, đem đến cơ hội cũng như thách thức đối với nền kinh tế kỹ thuật số. Tiền mã hóa là vấn đề rất được quan tâm bởi các nhà quản lý, giám sát tài chính toàn cầu. Chính vì vậy, quản lý hiệu quả tiền mã hóa để biến chúng thành công cụ an toàn trên thị trường tài chính nói riêng và cho toàn nền kinh tế nói chung đang là vấn đề nan giải không chỉ đối với Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, đồng tiền ảo (bitcoin) đang gây cơn sốt mạnh mẽ trên thế giới và ở Việt Nam, cho đến nay bitcoin bị cấm giao dịch ở Việt Nam, việc sử dụng bitcoin có thể bị phạt nặng. Tuy nhiên, việc sử dụng bitcoin để giao dịch (gửi tiền cho con học ở nước ngoài) hoặc đầu tư có màu sắc đầu cơ đang lan rộng ở Việt Nam. Nhưng việc thiếu một hành lang pháp lý chặt chẽ cho tiền thuật toán là điều bất lợi trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay.
Sau khi lắng nghe các chuyên gia kinh tế, ngân hàng trình bày tham luận về Tiền thuật toán và các hoạt động tài chính – ngân hàng hiện nay, Hội thảo đã nhận được nhiều chia sẻ mang tính chất thực tế, gợi mở những vấn đề liên quan đến đồng tiền ảo cũng như cơ chế quản lý hiện hành đối với loại đồng tiền này của các đại biểu tham dự. Đa số đều nhận định rằng, để hình thức tiền thuật toán được sử dụng, lưu hành rộng rãi, hạn chế thấp nhất mọi rủi ro thì cần phải có một chính sách quản lý thích hợp hơn nữa của các bộ, ban, ngành trong thời gian tới.
Tin: Thu Hương
Ảnh: Việt Anh