TĐKT - Nhằm giúp cho các gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở yên tâm lao động sản xuất, gần 20 năm qua, ông Đỗ Văn Thắng (tên thường gọi Tư Ngon), Tổ trưởng Tổ cất nhà Tình thương phường Mỹ Hòa (Hội Bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) không quản mưa, nắng vẫn cần mẫn, miệt mài cùng anh em trong tổ xây dựng lên những ngôi nhà khang trang, vững chãi cho người nghèo.
Gần 20 năm qua, ông Tư vẫn luôn cần mẫn với công việc xây dựng nhà tình thương cho người nghèo
Nói về lý do thành lập tổ, ông Tư Ngon cho biết khu nhà ông có nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, đến ngôi nhà để ở cũng không được tử tế. Họ luôn nơm nớp lo sợ nhà sập vào những đợt mưa bão. Ông đã tập hợp thêm anh em trong và ngoài phường Long Xuyên đứng ra thành lập Tổ cất nhà Tình thương.
Thời gian đầu hoạt động, Tổ chủ yếu chỉ xây dựng nhà cho những người nghèo tại phường. Vật liệu xây dựng được làm bằng các cây tạp của gia đình hay của các thành viên trong tổ đóng góp. Dần dần, thấy được việc làm của Tổ trưởng Tổ cất nhà Tình thương xuất phát từ lòng hảo tâm, các mạnh thường quân đã nhiệt tình ủng hộ kinh phí.
Cũng theo ông Tư cho biết, cây lúc nào cũng có sẵn, chỉ cần được nhà hảo tâm hỗ trợ là tổ sẽ cất được nhà cho người nghèo khó. Số lượng nhà được cất tùy vào sự hỗ trợ ít hay nhiều trong một năm hoạt động của tổ. Những ngôi nhà được xây dựng lên, nếu gia chủ biết giữ gìn thì tuổi thọ của ngôi nhà có thể lên đến 15 năm.
Anh Phạm Thanh Vũ (phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên), một trong những trường hợp được cất nhà tình thương cho biết, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, phải sống trong căn nhà trọ chật chội. Do đông con, vợ chồng phải làm đủ thứ nghề, nhưng cuộc sống chỉ tạm đắp đổi qua ngày, không dư giả mà tính đến chuyện cất căn nhà. Vì vậy, khi được Tổ trưởng Tổ cất nhà Tình thương xét và cất cho mái nhà, gia đình anh rất vui mừng.
Hiện tổ chỉ còn lại 3 thành viên do các thành viên khác bận mưu sinh nên không gắn bó lâu bền. Mặc dù vậy, các thành viên còn lại luôn nhiệt huyết, tậm tâm và hết lòng thực hiện tốt công việc của mình.
Vì số lượng thành viên ít nên khi xây nhà, ông Tư thường vận động thêm mọi người trong xóm phụ giúp. Nếu không ai tham gia được, 3 thành viên đều tự mình làm. Tuy nhiên thời gian cất xong một ngôi nhà sẽ lâu hơn.
“Trung bình, 1 căn nhà được dựng lên trong 5 ngày, có khi kéo dài đến 7 ngày. Trong thời gian này, chúng tôi phải dừng hết công việc của cá nhân, gia đình để tập trung cho việc xây dựng.”- ông Tư chia sẻ.
Sau gần 20 năm cần mẫn với công việc xây nhà tình thương, đến nay, ông cùng các thành viên trong tổ đã xây được hơn 100 căn nhà cho người nghèo.
Tuy nhiên, theo ông Tư, hiện việc xây nhà tình thương ngày càng khó khăn, bởi nguồn cây dùng cho xây dựng đang ngày càng khan hiếm. Đa số những cây dùng để cất nhà đều được mua từ tiền đóng góp của nhà hảo tâm. Thời gian gần đây, nguồn đóng góp ấy không được nhiều, thêm vào đó, cây tại địa phương giờ không nhiều để khai thác. Bởi vậy mỗi lần mua, ông phải vào tận Ba Thê cũ (Thoại Sơn) hoặc tận Hòn Đất (Kiên Giang).
Trong khi đó, do số lượng thành viên ít và đều cao tuổi nên mỗi lần đi mua cây đều tốn khá nhiều thời gian. Nhiều vườn cây ở tận đồng sâu, muốn đưa ra ngoài là chuyện rất khó khăn. Nhưng với tinh thần lá lành đùm lá rách và lòng yêu thương con người, các ông đều cố gắng hết sức để không phụ lòng tin của nhà hảo tâm cũng như bà con nghèo.
Ở cái tuổi lẽ ra đã được nghỉ ngơi bên con cháu, nhưng ông Tư cùng với các thành viên trong Tổ vẫn luôn tích cực xây lên những ngôi nhà, xây lên niềm hạnh phúc cho người nghèo. Ông Tư tâm sự: “Tôi sẽ làm đến khi nào sức khỏe không cho phép nữa thì thôi. Mà cái hay là khi càng làm tôi lại càng thấy mình trẻ và muốn sống để cống hiến nhiều hơn. Người ta thường nói thiện nguyện mang lại niềm vui cho người khác, thật ra còn mang lại niềm vui cho chính mình”.
Tùng Chi