TĐKT - Sáng 19/12, tại Hà Nội, Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Công ty Truyền thông ALO tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá tác động của truyền thông trong việc quảng bá các điển hình khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp”.
Kể từ năm 2016, khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 844 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, gọi tắt là Đề án 844, việc truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với nhiều cơ quan truyền thông thực hiện một cách có hệ thống hơn.
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá lại những tác động của nhiệm vụ truyền thông này đối với các điển hình khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp.
Hội thảo khoa học “Đánh giá tác động của truyền thông trong việc quảng bá các điển hình khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp”.
Ông Đỗ Quốc Khánh, Trưởng Ban Khoa giáo, Đài TH Việt Nam cho biết: Trong năm 2019, Ban Khoa giáo – Đài Truyền hình Việt Nam cùng với Công ty truyền thông ALO, đã chủ trì nhiệm vụ “Truyền thông quảng bá các điển hình khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp” trên nhiều nền tảng khác nhau: Truyền hình, báo in, báo điện tử và mạng xã hội. Thông qua nhiều chương trình khác nhau: Câu chuyện Sở hữu trí tuệ, Sự kiện Khoa học Công nghệ hàng năm, Khoa học và ứng dụng, Năng suất chất lượng,… giới thiệu về các mô hình khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp trong các lĩnh vực: Fintech, Logistic và Smart City…
Cụ thể, trong năm 2019, 12 chương trình phát sóng 21h10 trên kênh VTV2 với các vệt đề tài chuyên sâu: Vườn ươm khởi nghiệp là gì; vai trò của vườn ươm khởi nghiệp, làm thế nào để phát triển và duy trì vườn ươm khởi nghiệp; các chương trình về Mentor là ai trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Vai trò của Mentor đối với Startup; Vai trò của Mentor trong lĩnh vực Fintech; giới thiệu về mô hình của các quỹ đầu tư cho các startup tại Việt Nam, các mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế; vai trò của các chuyên gia trong các lĩnh vực khởi nghiệp đặc thù như logictics, quản lý doanh nghiệp…
12 chương trình truyền hình đã được phát sóng trên kênh VTV2 vào khung giờ 21h30 thứ 3 hàng tuần. 36 clip được đăng tải trên nền tảng số của Đài Truyền hình Việt Nam, 12 bài báo đăng trên tạp chí truyền hình, 12 bài viết đăng trên báo điện tử VTV.vn.
Qua đó, đã có gần 100 Start-up chia sẻ về mô hình, những khó khăn, thuận lợi của mình trong quá trình khởi nghiệp, hàng chục quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, hơn 20 các chuyên gia đại diện các trung tâm, các hiệp hội, các doanh nghiệp lớn đã tham gia tọa đàm, đối thoại hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hiệu quả nhất chính là đã đưa được khái niệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến gần hơn với cộng đồng, đồng thời kết nối những cá nhân có ý tưởng/ dự án khởi nghiệp với những thành tố khác trong hệ sinh thái: Cố vấn, nhà đầu tư, khách hàng...
Tuy nhiên, có ý kiến cũng chỉ ra rằng, việc lựa chọn startup để truyền thông cũng không dễ bởi hiện nay, chủ yếu các startup tập trung nhiều tại TP Hồ Chí Minh, trong khi Đề án tuyên truyền lại yêu cầu có cả ở Đà Nẵng, Hà Nội. Việc lựa chọn lĩnh vực: Fintech, logistic, smart-city cũng là những lĩnh vực mà startup ít, khó đáp ứng đúng tiêu chí mà chương trình cần….
Tại Hội thảo, Giám đốc Vận hành công ty cổ phần Xeca Việt Nam Nguyễn Vĩnh Thụy, một trong những starup cho rằng: Truyền thông sẽ luôn là một công cụ đầy hiệu quả trong việc quảng bá các điển hình khởi nghiệp, tác động tích cực tới các chủ thể trong xã hội, nếu như truyền thông gắn liền với nội tại sức mạnh của doanh nghiệp khởi nghiệp. Trái lại, một khoảng cách quá lớn giữa hình ảnh trên truyền thông và thực tại sản phẩm sẽ là con dao 2 lưỡi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đó. Việc lựa chọn đúng kênh truyền thông thích hợp để quảng bá sẽ giúp startup tiếp cận được đúng khách hàng và từng bước xây dựng thương hiệu.
Mai Thảo