TĐKT - Ngày 17/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống chi trả bưu điện. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng
Theo báo cáo từ đại diện Bưu điện Việt Nam, tính đến tháng 10/2019, công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua Bưu điện đã được triển khai thí điểm tại 19 tỉnh, thành phố. Từ tháng 11/2019, triển khai mới công tác chi trả tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nâng tổng số địa phương triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua bưu điện lên 20 tỉnh, thành phố.
Hàng tháng, Bưu điện Việt Nam đã tổ chức 3.592 điểm chi trả trên tổng số 2.703 xã, phường, bố trí 3.242 nhân viên chi trả để thực hiện chi trả cho gần 360.000 người hưởng với số tiền trên 620 tỷ đồng.
Việc chi trả đáp ứng được các yêu cầu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là chi trả đúng đối tượng, chi đủ số tiền, đúng thời gian quy định, đảm bảo an toàn về tiền mặt tại tất cả các địa phương thí điểm. Công tác triển khai được ứng dụng công nghệ thông tin, giúp cho việc khai thác và quản lý an toàn, nhanh chóng, mang lại hiệu quả cho các bên và đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính.
Sau một thời gian triển khai, công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua Bưu điện đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố ghi nhận bởi những tiện ích trong quá trình triển khai: Đảm bảo an toàn các nguồn tiền chi trả; tách bạch công tác chi trả với công tác quản lý đối tượng, tham mưu hồ sơ hưởng chế độ chính sách cho đối tượng, góp phần tạo sự minh bạch trong quản lý cũng như giảm tải được áp lực cho cán bộ xã, phường trong điều kiện Chính phủ yêu cầu thực hiện tinh giản biên chế “đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% số biên chế so với năm 2015” theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017.
Đối với người thụ hưởng, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện cũng như các tiện ích mà việc nhận tiền qua Bưu điện mang lại đã được đánh giá cao. Các địa phương đã thực hiện điều tra lấy ý kiến người hưởng đều có kết quả tỷ lệ người hưởng hài lòng với việc nhận tiền trợ cấp ưu đãi người có công qua Bưu điện khá cao, hầu hết đều đạt tỷ lệ từ 95% - 100%.
Trong thời gian tiếp theo, chủ trương của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019, đã nêu: “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các tổ chức, đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người hưởng nhận các khoản trợ cấp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo ít nhất trên địa bàn đô thị đạt 10% đến hết năm 2019 và 30% đến hết năm 2020”.
Để góp phần cùng với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội hoàn thành mục tiêu của Chính phủ giao, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam dự kiến tổ chức triển khai công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công bằng 2 phương thức: Phương thức chi trả điện tử và phương thức chi trả bằng tiền mặt.
Đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, nhìn chung, sau 3 năm thực hiện thí điểm, các địa phương ghi nhận nhiều tiện ích như: Tách bạch công tác chi trả với công tác quản lý đối tượng, công tác tham mưu hồ sơ hưởng chế độ chính sách cho đối tượng, góp phần tạo sự minh bạch trong quản lý cũng như giảm áp lực cho cán bộ xã, phường. Dòng tiền luân chuyển ổn định, kịp thời, không xảy ra sai sót trong quá trình chi trả.
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, vẫn còn tồn tại một số tồn tại như: Nhân viên bưu điện chưa biết rõ đối tượng, không nắm hết các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nên hạn chế trong việc giải đáp thắc mắc; chưa thực hiện tốt việc chi trả tại nhà đối với những đối tượng già yếu, ốm đau, dẫn đến tỷ lệ chi trả chưa cao...
Mặc dù vậy, hầu hết người hưởng đều đánh giá thời gian chi trả đảm bảo, thái độ phục vụ và tinh thần trách nhiệm của nhân viên bưu điện khi thực hiện chi trả đạt mức tốt và rất tốt. Các địa phương thực hiện thí điểm đều đề xuất tiếp tục thực hiện chi trả qua hệ thống bưu điện.
Thời gian tới, Bưu điện Việt Nam và các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối tượng, xây dựng cơ sở dữ liệu về người có công gắn với thực hiện chính sách; có giải pháp tổng quát, toàn diện, khắc phục ngay những tồn tại trong năm 2020.
Các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại các địa phương thí điểm cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chi trả (bổ sung, hoàn thiện phần mềm quản lý đối tượng, quản lý tài chính, chi trả trợ cấp ưu đãi người có công), đảm bảo chi trả đúng đối tượng, đủ chế độ, kịp thời và đến tận tay người được hưởng chế độ.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá cao thái độ phục vụ của Bưu điện Việt Nam trong thời gian qua.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ có cách tiếp cận, phương thức trình chủ trương chung để áp dụng với các tỉnh còn lại để đạt 100% tỉnh thành trong cả nước triển khai chi trả người có công qua hệ thống Bưu điện trong năm 2020; đồng thời, sẽ trình để xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các địa phương.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiến hành xây dựng đề án tích hợp, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, chi trả qua thẻ để người có công có thể rút ra sử dụng bất cứ lúc nào.
Hồng Thiết