TĐKT - Sáng 14/12, tại Hà Nội, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. Tới dự, có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Nguyễn Thị Phương Hoa.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà trao Huân chương Độc lập hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 25/9/1945, Phòng Đồ bản thuộc Bộ Tổng Tham mưu - cơ quan bản đồ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Sau ngày hòa bình lập lại, do vai trò quan trọng của ngành đo đạc và bản đồ đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, ngày 14/12/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 444-TTg thành lập Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Phủ Thủ tướng, chính thức hình thành cơ quan Cục Đo đạc và Bản đồ của nhà nước cách mạng Việt Nam. Đây là cơ quan quản lý nhà nước về Đo đạc và Bản đồ đầu tiên của Nhà nước cách mạng Việt Nam.
Từ đó đến nay, Cục Đo đạc và Bản đồ đã được tổ chức lại nhiều lần nhưng luôn được giao nhiệm vụ và giữ vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, tổ chức triển khai công tác đo đạc và bản đồ cơ bản trên phạm vi cả nước, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam luôn bám sát định hướng phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước; triển khai có hiệu quả các công trình, dự án đo đạc và bản đồ, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, hợp tác quốc tế và đồng thời xây dựng nếp sống văn hóa mới, con người mới.
Đặc biệt, từ năm 2009 đến năm 2019, ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đã phát triển toàn diện về xây dựng thể chế quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) hạ tầng thông tin địa lý quốc gia. Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã xây dựng và cơ bản hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Trong đó, nổi bật nhất là việc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chủ trì xây dựng và trình Luật Đo đạc và bản đồ được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 14/6/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Ngành đã tập trung triển khai và cơ bản hoàn thành các đề án, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại “Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đến năm 2020”. Trong đó, tiêu biểu là việc hoàn thành 2 dự án quan trọng liên quan đến thành lập CSDL nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước và CSDL nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm.
Cục đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thành tốt nhiệm vụ phân giới cắm mốc các tuyến biên giới trên đất liền với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia góp phần quan trọng vào xây dựng biên giới chung hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Hoàn thành việc xây dựng CSDL nền thông tin địa hình cơ bản phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và giám sát tài nguyên môi trường CHDCND Lào (2013 - 2018); tăng cường năng lực cho Cục Bản đồ Quốc gia Lào; tăng cường mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Lào.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Thị Phương Hoa chúc mừng và biểu dương những thành tích đáng trân trọng và tự hào của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tác trong ngành đo đạc và bản đồ trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị Cục cần tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm: Trên cơ sở Luật Đo đạc và bản đồ, trong thời gian sớm nhất cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đo đạc và bản đồ; kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đảm bảo sự thống nhất, đầy đủ, phù hợp với pháp luật có liên quan. Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất trong việc thực hiện kế hoạch hàng năm.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan để sớm hoàn thành dự thảo Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam, hạ tầng không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 trình Chính phủ phê duyệt trong Quý III năm 2020.
Hiện đại hóa hạ tầng đo đạc, nâng cao chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ quản lý, giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ chuyên môn cao, ngoại ngữ tốt để định hướng, tổ chức, làm “tổng công trình sư” các nhiệm vụ lớn củanNgành, làm công tác biên giới và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
Cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương có liên quan để đảm bảo công tác kỹ thuật phục vụ công tác đàm phán, giúp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia; chuẩn bị các điều kiện nhân lực, kỹ thuật phục vụ phân định ranh giới trên biển với các quốc gia trong khu vực, góp phần ổn định tình hình chính trị và tăng cường hợp tác phát triển trong khu vực.
Nhân Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập, các tập thể, cá nhân Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, ghi nhận các đóng góp và thành tích rất đáng tự hào mà ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đã đạt được.
Bình Nguyên