TĐKT - Phát huy những thành tích đã đạt được, Tổng Cục Hải quan triển khai đợt thi đua cao điểm nước rút để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm.
Hải quan đẩy mạnh thi đua trong những tháng cuối năm
Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 11/2019 ước tính thặng dư 1,05 tỷ USD. Như vậy, tính chung trong 11 tháng năm 2019, cả nước xuất siêu 10,07 tỷ USD, tăng 32,7% so với con số của 11 tháng năm trước.
Số thu NSNN tháng 11/2019 đạt 24.583 tỷ đồng; lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11 toàn ngành thu đạt 318.061 tỷ đồng, đạt 105,8 % dự toán thu NSNN, đạt 100,8% so với chỉ tiêu phấn đấu, tăng 11,43% so với cùng kỳ năm 2018.
Lũy kế từ ngày 16/12/2018 đến 15/11/2019, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 15.598 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.514 tỷ 741 triệu đồng; số thu NSNN đạt 346 tỷ 388 triệu đồng; cơ quan Hải quan đã ban hành 36 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 86 vụ.
Trong công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật, từ đầu năm đến nay, Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện và trình lãnh đạo các cấp ký ban hành nhiều văn bản pháp luật. Hiện nay nhiều đề án, văn bản pháp luật lớn đang được Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện.
Cụ thể, trình các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thực hiện pháp điển đề mục Hải quan; Thông tư số 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; Thông tư số 80/2019/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.
Tiếp tục hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự thảo: Nghị định thay thế Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2013/NĐ-CP; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 và Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 20/4/2018; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 50/2018/TT-BTC ngày 23/5/2018; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2015/TT-BTC về sở hữu trí tuệ; Thông tư hướng dẫn dự thảo Nghị định quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS)…
Cùng với đó, trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, lũy kế từ ngày 16/12/2018 đến 15/11/2019, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 15.784 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 2.854 tỷ đồng; số thu NSNN đạt hơn 448 tỷ; cơ quan Hải quan đã ban hành 45 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 125 vụ.
Ngoài ra, công tác kiểm tra sau thông quan tính đến giữa tháng 11 cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Toàn ngành đã thực hiện 3.070 cuộc, trong đó có 1.297 cuộc tại trụ sở người khai hải quan (đạt 96% so với chỉ tiêu năm 2019, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2018), 1.773 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan.
Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là hơn 1.640 tỷ đồng, bằng 82% so với cùng kỳ năm 2018, đã thực thu vào NSNN (bao gồm từ năm 2018 chuyển sang) số tiền là hơn 1.673 tỷ đồng, bằng 91% so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, các mặt công tác trọng tâm khác cũng đang được Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành đánh giá thời gian từ nay đến hết năm không còn nhiều, các đơn vị trên cơ sở kết quả đã đạt được, rà soát, đẩy nhanh tiến độ, cố gắng hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các đề án trình Chính phủ.
Bên cạnh đó, trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, Phó Tổng cục trưởng đề nghị các đơn vị rà soát kỹ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2013/NĐ-CP, bám sát thực tiễn. Cùng với đó là triển khai cụ thể Nghị định số 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vừa được Chính phủ ban hành.
Thi đua thực hiện nước rút những tháng cuối năm, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu Cục Giám sát quản lý về hải quan, Vụ Pháp chế, Cục Kiểm định hải quan phối hợp chặt chẽ để triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 99/NQ-CP, trong đó, giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm, trình Chính phủ trong Quý I năm 2020…
Trong công tác nghiệp vụ, Phó Tổng cục trưởng yêu cầu các đơn vị kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong thưc tiễn, tạo thuận lợi trong thông quan hàng hóa. Đồng thời đẩy mạnh các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới.
La Giang