2G - Sáng kiến giảm nghèo của người Mường ở Ái Thượng
09/12/2019 - 10:32

TĐKT - Từ 4 năm nay, được sự hướng dẫn của Hội Làm vườn huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, chị Trương Thị Thủy cùng các hộ dân tộc Mường ở xã Ái Thượng đã cải tạo vườn tạp, đầu tư làm giàn trồng gấc ở trên và trồng gừng ở dưới (mô hình 2G). Không tốn công đầu tư, giống, phân bón, việc chăm sóc đơn giản mà cho giá trị, hiệu quả lớn gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, mô hình 2G này giúp người dân tộc Mường xã Ái Thượng không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.

Chị Trương Thị Thủy, Giám đốc HTX Nông dược Bá Thước

Là một trong những người tiên phong triển khai mô hình, chị Trương Thị Thủy, Giám đốc Hợp tác xã Nông dược Bá Thước chia sẻ: “Tôi chọn mô hình 2G để làm vì thấy mô hình phù hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt là chị em phụ nữ. Nhiều chị em trong địa phương nhà nghèo, không có đất bãi nên chọn trồng gừng, gấc để có thể tận dụng, cải tạo được vườn tạp xung quanh nhà, đất rừng còn bỏ trống, không cần đầu tư ban đầu nhiều, lại dùng được chất thải nông nghiệp làm phân vi sinh bón cho cây.”

Khi bắt tay vào thực hiện dự án, chị gặp rất nhiều khó khăn. Dự án chỉ hỗ trợ người dân kỹ thuật cải tạo vườn tạp cũng như cung cấp những kiến thức cơ bản để trồng gừng, gấc, không hỗ trợ về phân bón và giống. Người dân có nhu cầu mua giống, phân bón sẽ được giới thiệu đơn vị cung cấp đạt chất lượng. Sản phẩm sản xuất ra có công ty thu mua. Thời gian đầu, vì ngại thay đổi và chưa tin tưởng vào mô hình mới nên chưa có nhiều hộ gia đình tham gia.

Chị Thủy kể: “Ban đầu đem mô hình về, chưa có nhiều chị em tin tưởng và ủng hộ; có chị em tham gia dự án nhưng lại chưa quan tâm mấy, vậy nên hiệu quả chưa cao. Nhưng mình vẫn quyết tâm hướng dẫn cho họ, lâu dần cũng có nhiều người tin tưởng và cam kết tham gia hơn.”

Tuy nhiên, những thử thách về đầu ra khiến tổ trưởng Trương Thị Thủy không thôi trăn trở: “Có sức người nhưng chọn quy mô như thế nào cho phù hợp, hợp đồng đầu ra như thế nào? Lớn quá thì người dân không kham nổi, mà ít quá thì chỉ túc tắc, không đem lại hiệu quả kinh tế như mong đợi.”

Khi ấy, mặt hàng gấc được bao tiêu đầu ra nhưng diện tích đất canh tác có hạn nên các chị chưa trồng thêm nhiều. Đối với gừng, chị tìm được một công ty tại Hà Nội sẵn sàng ký kết hợp đồng nhưng vì không đáp ứng đủ sản lượng đơn vị yêu cầu nên không thể ký kết được, các chị phải quay ra bán lẻ gừng cho các mối nhỏ.

Không nản lòng, chị không ngừng tìm kiếm những hướng đi bền vững và lâu dài cho dự án, giúp cải thiện phần nào đời sống cho chị em trong thôn.

 

Chị Trần Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) cùng chị Trương Thị Thủy tại vườn gấc - gừng, Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

Chị Thủy cho biết, quy trình trồng gấc, gừng rất đơn giản, ít chăm sóc, không tốn giống, không cần bón phân nhiều. Như cây gấc trồng 1 lần nhưng cho thu hoạch trong 5 - 6 năm. Nhiều hộ gia đình được hướng dẫn làm phân vi sinh từ chất thải gia súc, rác thải nông nghiệp để bón cho gấc, gừng. Đồng thời, các hộ dân đã biết sơ chế gấc để bán. Riêng phần hạt được sơ chế để làm thuốc xoa bóp, còn vỏ quả để làm phân vi sinh.

Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, lại sẵn đất vườn, vụ thu hoạch đầu tiên mang lại hiệu quả lớn gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, giúp một số hộ thoát nghèo và có thể làm giàu. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhìn thấy rõ hiệu quả của mô hình, nhiều hộ nông dân huyện Bá Thước đã học tập và làm theo.

Từ mô hình này, Hợp tác xã Nông dược Bá Thước được thành lập với mục đích làm đầu mối bao tiêu sản phẩm giúp hàng chục hộ gia đình trong huyện thoát nghèo. Hiện nay sản phẩm gấc của bà con được cung ứng cho Công ty Vinaga, còn gừng thì được Công ty Trí Đức nhận tiêu thụ.

Nguyệt Hà