TĐKT - Sáng 4/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016. Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các cơ quan chủ quản báo chí, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo các cơ quan báo chí.
Toàn cảnh Hội nghị
Luật Báo chí 2016 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Sau khi có hiệu lực, Luật Báo chí 2016 đã kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh; phần nào khắc phục bất cập trong thực tiễn hoạt động báo chí; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Để quy định chi tiết Luật Báo chí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành các văn bản hướng dẫn dưới Luật gồm có 2 Nghị định của Chính phủ và 4 Thông tư.
Căn cứ các quy định của Luật Báo chí, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng ban hành các văn bản triển khai thực hiện như: Về nâng cao chất lượng, tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác báo chí - xuất bản; về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của đơn vị; về chấn chỉnh hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí…
Đồng thời, các cơ quan báo chí đã bám sát các quy định tại Luật Báo chí 2016 để triển khai trong thực tiễn. Nhiều cơ quan báo chí thực hiện nghiêm theo tôn chỉ, mục đích quy định trong giấy phép hoạt động báo chí đã được cấp; các nhà báo tác nghiệp đúng quy định; thực hiện các quy định về phản hồi thông tin, khai thác thông tin, trả lời phỏng vấn theo quy định; thực hiện đúng các thủ tục liên quan đến giấy phép hoạt động báo chí như thay đổi tên gọi cơ quan báo chí, tăng trang, tăng kỳ, thay đổi khuôn khổ; công tác xét thẻ nhà báo đúng trình tự, thủ tục; nộp lưu chiểu ấn phẩm báo chí đầy đủ, đúng quy định…
Qua 3 năm thi hành, Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định. Những nội dung của Luật Báo chí 2016 về cơ bản đã phù hợp và bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí.
Tuy nhiên, trải qua 3 năm triển khai thi hành, một số quy định của Luật Báo chí 2016 đã dần bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu trong thực tiễn của lĩnh vực báo chí dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Báo chí 2016 là một yêu cầu cấp thiết đặt ra trong công tác chỉ đạo của Đảng và quản lý nhà nước về báo chí; xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn của các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí, những người công tác, làm việc trong lĩnh vực báo chí và của chính những đối tượng chịu ảnh hưởng, tác động từ hoạt động báo chí…
Tại Hội nghị, đã có 15 tham luận của các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương và đại diện lãnh đạo cơ quan báo chí đã thẳng thắn trao đổi, đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp… nhằm hoàn thiện pháp luật về báo chí trong thời gian tới, nhất là trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: Việc thực thi Luật Báo chí 2016 về cơ bản được triển khai tích cực, tuy nhiên có một số trường hợp khi thực thi luật nhưng không hiểu hoặc không nắm rõ luật nên trong khi ứng xử với báo chí không chuẩn. Thậm chí cứ nghe đến báo chí là né, là thỏa hiệp. Bởi vậy, từng cơ quan, đối tượng liên quan của Luật Báo chí từ cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, ở địa phương cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng Luật Báo chí để kịp thời xử lý những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn.
Hướng sửa Luật Báo chí tới đây sẽ đưa ra Tòa án để phân xử. Các địa phương cần khuyến khích các tổ chức kiện ra toà nếu thông tin sai sự thật, bước đầu đã có doanh nghiệp kiện cơ quan báo chí…
Thực tiễn cho thấy, việc tuyển dụng phóng viên ở nhiều cơ quan báo chí còn lỏng lẻo, nhận thức về chính trị, trình độ chuyên môn còn hạn chế; nhiều cơ quan báo chí phải đóng góp tài chính nuôi cơ quan chủ quản; trang tin điện tử là cánh tay nối dài của cơ quan báo chí, nhưng trên thực tế nhiều trang tin điện tử đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, theo quy định thì trang tin điện tử không được sản xuất, không được biên tập tin bài và khi dẫn lại nguồn tin phải có thoả thuận với cơ quan báo chí…
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định: Khi tiến hành sửa đổi Luật Báo chí tới đây phải khắc phục được những bất cập, những hạn chế mà Luật Báo chí 2016 cũng như thực tiễn đang đặt ra, dự báo được xu hướng phát triển trong thời gian tới.
Nguyệt Hà