TĐKT - Ngày 8/11, tại Hà Nội, Khoa Chấn thương Chỉnh hình và Y học thể thao (Bệnh viện đa khoa Xanh - Pôn) phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển vật liệu y sinh tổ chức Hội thảo “Vật liệu y sinh PEEK và công nghệ 3D: Bước tiến mới trong chấn thương chỉnh hình”.
PGS.TS. Trần Trung Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tại Hội thảo, PGS. TS. Ngô Duy Thìn, Trưởng Lab công nghệ mô ghép và vật liệu sinh học, Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Y sinh Ngọc Bảo đã giới thiệu về vật liệu y sinh PEEK và công nghệ 3D trong chấn tương chỉnh hình và tạo hình sọ não.
PGS TS. Ngô Duy Thìn cho biết: PEEK là vật liệu tương thích sinh học rất cao có tính chất rất giống xương, đã được nghiên cứu và ứng dụng trong y tế từ những năm 1990, đặc biệt trong chế tạo các sản phẩm cấy ghép: Mảnh vá hộp sọ, đĩa đệm cột sống, thân xương đùi, khớp háng, khớp gối. Ở Việt Nam cũng bắt đầu nghiên cứu, thử nghiệm vật liệu PEEK trong y tế từ năm 2012. Hiện nay, vật liệu này đang ngày càng chứng tỏ khả năng thay thế xương tự nhiên nhờ những đặc điểm giống xương của nó.
Năm 2018, UBND TP Hà Nội đã giao cho Viện Nghiên cứu và phát triển vật liệu y sinh - Công ty cổ phần Y sinh Ngọc Bảo nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu chế tạo mảnh vá hộp sọ và lồi cầu xương hàm dưới bằng công nghệ 3D từ vật liệu PEEK”.
PGS TS. Ngô Duy Thìn chia sẻ tại Hội thảo
Theo đó, những sản phẩm mảnh vá khuyết sọ chế tạo bằng công nghệ 3D từ vật liệu PEEK đầu tiên do Viện Nghiên cứu và phát triển vật liệu y sinh chế tạo ra đã được thử nghiệm lâm sàng trên 10 bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Hải Dương, bị các bệnh lý đặc biệt về xương như: Mất xương, xương vỡ vụn, tổn thương hai mảnh, tổn thương phối hợp, tổn thương quá lớn…
“Kết quả theo dõi dài nhất 1 năm cho thấy rõ tính ưu việt của loại sản phẩm chế tạo riêng cho từng người bằng vật liệu PEEK này không thua kém các sản phẩm của các nước trong khu vực. Đặc biệt, mảnh vá hộp sọ của Viện còn được thiết kế các chân chống sập, lún, không cần nẹp cố định, giảm chi phí cho bệnh nhân.” - PGS TS. Ngô Duy Thìn cho biết.
Đặc biệt, mới đây, 2 bệnh nhân bị u xương đã được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội phục hồi chi thành công bằng cách ghép xương đùi nhân tạo bằng vật liệu PEEK in 3D.
Anh Khuất Hữu Trung, ở Đê La Thành, Hà Nội, một trong hai bệnh nhân được phẫu thuật cách đây 1 tuần cho biết: Anh được chẩn đoán bị u xương nhiều năm nay, đi lại rất khó khăn, thường xuyên bị tê bì hoặc mất cảm giác ở chân tay hoặc nhiều phần khác trên cơ thể. Anh được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tư vấn nên phẫu thuật sớm, bởi nếu không phẫu thuật kịp thời, phần u xương sẽ phát triển nhanh có thể gây ra liệt hoặc ung thư. Họ tư vấn cho tôi về việc dùng phương pháp can thiệp mới, hiện đại bằng công nghệ PEEK in 3D.
“Lúc đầu tôi rất lo lắng vì đây là phương pháp mới. Tuy nhiên, chính sự phát triển của công nghệ y học và sự tận tâm của những người thầy thuốc đã mang lại cho tôi những cơ hội sống tốt hơn. Đến nay, đã 7 ngày sau mổ, tôi cảm thấy rất thoải mái, không còn đau đớn và có thể tự đứng bằng hai chân trong vòng vài phút mà không cần chống nạng. Điều đó thật tuyệt vời.” - Anh Trung vừa tự đứng dậy vừa vui mừng chia sẻ.
Bệnh nhân Khuất Hữu Trung đến chia sẻ tại Hội thảo
Là một trong những bác sĩ trực tiếp tham gia thực hiện thành công 2 ca mổ trên, ThS. BSNT Phạm Trung Hiếu, Trưởng đơn nguyên Phẫu thuật khớp háng và khung chậu khoa Chấn thương chỉnh hình và y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: Thực sự khi thực hiện 2 ca mổ trên có rất nhiều thử thách đối với bác sĩ cũng như kỹ sư thiết kế ra bộ khớp đó, bởi đây là 2 ca đầu tiên Việt Nam thực hiện ghép xương đùi nhân tạo từ vật liệu PEEK để bảo tồn chi thể. Thành công hơn nữa là chúng tôi đã bóc được hoàn toàn khối u rất lớn cho bệnh nhân mà không xảy ra bất kỳ biến chứng gì.
“Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ghép xương đùi nhân tạo từ vật liệu PEEK in 3D để bảo tồn chi thể. Nhìn bệnh nhân sau 7 ngày phẫu thuật có thể đi lại gần như bình thường không chỉ là niềm vui, hạnh phúc với bác sĩ chúng tôi, mà còn là bước tiến mới trong nền y học công nghệ của Việt Nam.” - Bác sĩ Hiếu nhấn mạnh.
Bác sĩ Phạm Trung Hiếu cũng cho biết: “Tiềm năng của in 3D trong tương lai rất rộng mở, sẽ có rất nhiều ứng dụng nữa được mở ra tại Việt Nam như: Có thể chế tạo dụng cụ kết hợp xương như nẹp đinh, bộ khớp nhân tạo riêng cho từng bệnh nhân mà phù hợp với người châu Á chứ không phải nhập các bộ khớp đắt đỏ mà chỉ phù hợp với thiết kế cho người châu Âu như trước đây.
Thứ hai, là có thể giúp cho nghiên cứu về giải phẫu học cũng như những bệnh lý mà trước đây người ta phải phụ thuộc vào nguồn hiến xác, nay có thể in trực tiếp các mô hình xương đó ra từ bảng cắt lớp vi tính từ những bệnh nhân đang còn sống bình thường; sau đó nghiên cứu bệnh lý, phương pháp mổ, lên kế hoạch mổ cho bác sĩ. Đây là hướng đi rất mới trong thời kỳ cách mạng 4.0 vào y tế mà vẫn đem lại chi phí phù hợp, ứng dụng được công nghệ rộng khắp ở Việt Nam trong tương lai.”
Tại Hội thảo, 8 bài báo cáo của các nhóm nghiên cứu khác về các lĩnh vực phẫu thuật khớp vai, khớp háng, khớp gối, khớp bàn ngón tay, tạo hình sọ mặt… đã mang đến nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm mới mẻ về ứng dụng của vật liệu y sinh học và công nghệ.
Hội thảo thực sự là nơi các phẫu thuật viên trong lĩnh vực phẫu thuật cơ xương khớp và các chuyên gia nghiên cứu phát triển vật liệu y sinh gặp gỡ và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm lâm sàng trong việc ứng dụng các công nghệ và vật liệu mới trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình trong thời kỳ 4.0.
Mai Thảo