TĐKT - Gắn bó với Trại giam Hoàng Tiến từ những ngày đầu mới thành lập, hơn ai hết Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Cục C10 - Bộ Công an) hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả mà những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) nơi đây phải trải qua. Thế nhưng, 36 năm nay, anh vẫn luôn tận tụy và trách nhiệm để gieo những hạt mầm lương thiện cho từng số phận trót lầm đường lạc lối và truyền tình yêu nghề đến với những đồng đội trẻ.
Trại là nhà
Đưa chúng tôi đi mục sở thị lần lượt từng phân trại, từ nơi ăn, chốn ở cho đến nơi lao động, học nghề… của phạm nhân (PN), Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến không giấu nổi niềm xúc động bởi sự phát triển của “ngôi nhà thứ hai” ấy.
Anh nhớ lại, năm 1982, sau khi có quyết định thành lập trại giam Hoàng Tiến tại Chí Linh, Hải Dương, khi đó anh đang công tác tại Công an tỉnh Hải Hưng (cũ) được cử đến Chí Linh làm nhiệm vụ thành lập trại.
Ban đầu Trại mới là một đồi đất trống, bỏ không, thuộc thôn Trại Trống, xã Hoàng Tiến. Anh là một trong số những người đầu tiên được phân công đi cùng 5 PN xuống địa bàn làm nhiệm vụ canh giữ khu đất, trồng những cây bạch đàn, keo, vải đầu tiên để chắn gió rồi dựng nhà tranh, vách đất ở đây.
Có lần, đang trên đường đi làm nhiệm vụ, anh gặp một nhóm thanh niên chặn cướp xe khách trên đường quốc lộ. Anh đã cùng nhân dân khống chế, tóm gọn các đối tượng. Tuy nhiên, do chúng đông người và có hung khí nên chiến sĩ Nguyễn Hữu Ấm đã bị tấn công gây thương tích nặng ở đầu, từ đó trở thành một thương binh bị tổn hại tới 48% sức khỏe.
Dù vất vả, thiếu thốn và gặp không ít hiểm nguy, nhưng anh dành trọn tình yêu với nghề, luôn chứng tỏ bản lĩnh của một người thương binh “tàn nhưng không phế”, một chiến sĩ công an nhân dân trí dũng, kiên cường.
Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến
Anh đã cùng các thế hệ CBCS và PN đã xây dựng trại giam ngày một phát triển. Năm 1990, trại xây được một nhà giam quản lý khoảng 300 PN. Đến nay, Trại đã phát triển quy mô hơn với 1 trung tâm chỉ huy, 3 phân trại, 1 khu sản xuất và 1 trung tâm dạy nghề đóng trên địa bàn TP Chí Linh và huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; quản lý, giam giữ khoảng 4000 PN, trong đó gần 1000 PN nữ, đa số mắc tội buôn bán ma túy, với các mức án đến chung thân.
Trải qua 36 năm công tác tại đây, ở nhiều cương vị khác nhau, từ chiến sĩ, đến kế toán trưởng, Phó Giám thị và nay là Giám thị trại giam, với Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, từng hàng cây, con đường hay mỗi ngóc ngách nhỏ nhất của trại giam anh thuộc trong lòng bàn tay. Anh coi nơi đây là mái nhà thứ hai của mình, đã cho anh nhiều trải nghiệm giá trị, dù khó khăn, gian khổ nhưng cũng không ít niềm vui và hạnh phúc.
Anh kể, có phạm nhân sau khi hết án phạt tù, trở về địa phương làm lại cuộc đời, nhưng 20 năm sau, tình cờ thấy trên truyền hình người quản giáo từng sát cánh bên mình trong những năm phải thi hành án tại trại giam Hoàng Tiến, dù đã 75 tuổi vẫn đạp xe từ Hưng Yên đến Hải Dương chỉ để biếu anh chút quà quê và ôn lại những kỉ niệm cũ.
Đại tá Nguyễn Hữu Ấm bảo rằng: “Hạnh phúc lớn nhất đối với những người làm nghề quản lý, giáo dục PN như anh đó chính là được chứng kiến PN gạt bỏ được tư tưởng bất mãn, tự ti để cải tạo tốt, sớm hoàn lương. Giúp đỡ được họ, lòng mình cũng thấy thật thanh thản.”
Thực thi nhiệm vụ bằng tình thương và trách nhiệm
Được gọi là “thành phố của các trại giam”, đa số các khu giam giữ phạm nhân ở Trại giam Hoàng Tiến đóng quân trên địa bàn phường có đông dân cư sinh sống tấp nập, tuy thuận lợi cho CBCS dễ dàng di chuyển để thực hiện nhiệm vụ nhưng lại là một trong những thách thức lớn cho công tác quản lý PN khi bị tác động nhiều từ sự phức tạp của xã hội.
Với những nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao phó, anh đã lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí, đồng đội cùng với tập thể CBCS trại giam Hoàng Tiến đề ra và thực hiện nhiều kế hoạch, biện pháp, Nghị quyết sáng tạo, đúng đắn, phù hợp.
Đặc biệt, anh luôn quan tâm chỉ đạo, tập trung thực hiện chế độ, các chính sách đối với PN, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước; tổ chức phát động các đợt thi đua trong PN toàn trại gắn với phong trào thi đua chấp hành án phạt tù, thi đua chấp hành nghiêm nội quy trại giam. Hàng năm, chỉ đạo các đơn vị cơ sở chi bồi dưỡng, chế độ ăn thêm cho PN; khám, cấp phát thuốc men chữa bệnh, tiền thưởng cho PN.
Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến cùng lãnh đạo Cục C10 động viên, chia sẻ phạm nhân và gia đình phạm nhân
Xuất phát từ sự tâm huyết với nghề, Đại tá Nguyễn Hữu Ấm luôn quan tâm đến việc tổ chức cho PN được học tập về chính sách, pháp luật, nội quy của trại giam ngay từ những ngày đầu mới vào trại, giúp họ hiểu được những chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội trong thời gian chấp hành án. Từ đó, giúp họ quyết tâm cải tạo, lao động để sớm được trở về với gia đình và xã hội.
Ngoài giờ lao động theo quy định, PN còn được đọc sách, xem tivi, bởi mỗi phòng đều được trang bị ti vi, sách, báo. Các PN cũng được liên lạc với gia đình thông qua điện thoại do trại lắp đặt hoặc viết thư.
Mỗi tháng, PN được ăn thêm 2 lạng thịt và 2 kilogam rau từ tiền tăng gia sản xuất của đơn vị. Mỗi ngày, đều có cán bộ hậu cần và kế toán đến kiểm tra chế độ ăn và ký nhận, tránh trường hợp dùng thức ăn ôi thiu cho PN.
Đồng thời, trại đã tổ chức nhiều phong trào thi đua theo các dịp trong năm, giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi cho các PN; tổ chức cho PN ăn Tết Nguyên đán và 30/4 theo đúng quy định. Vào ngày Tết cổ truyền, 100% PN được nghe Ban Giám thị đọc thư chúc tết của Cục trưởng Cục C10 và của đơn vị trên hệ thống truyền thanh nội bộ.
Đặc biệt, thấu hiểu những số phận người tù có hoàn cảnh khó khăn, nhân dịp Tết cổ truyền 2019, trại đã chi 22.600.000 đồng từ quỹ Tấm lòng vàng cho các PN đặc biệt khó khăn không có người thăm nuôi, già yếu, thường xuyên ốm đau...
Nhằm giúp PN sớm tìm được việc làm sau khi ra tù, Đại tá Nguyễn Hữu Ấm đã chỉ đạo liên kết với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp thuộc Trường Đại học Sao đỏ dạy và cấp chứng chỉ các nghề như: May mặc, hàn, mộc, rèn,... Sau mỗi tháng lao động, PN sẽ được xếp loại làm việc theo đúng năng lực của mình.
Cán bộ, chiến sĩ là anh em
Với hơn 40 % CBCS có tuổi đời còn trẻ, chưa có nhiều sự trải nghiệm với nghề, anh thường căn dặn: “Khi làm việc với PN, người cảnh sát trại giam phải vừa là người thầy dạy họ những lẽ phải, thậm chí dạy học cho những người chưa biết chữ; vừa phải là bác sĩ, biết quan tâm, hỏi han khi phạm nhân ốm đau, lại vừa phải là chủ nhiệm hợp tác xã, biết lo toan công việc, bữa ăn, giấc ngủ cho họ....”
Gia đình phạm nhân đến trò chuyện, động viên con em mình tại Trại giam Hoàng Tiến
Để đạt được hiệu quả tốt nhất trong công việc, Đại tá Ấm luôn yêu cầu CBCS phải thực sự nghiêm khắc với bản thân, đồng thời, tuân thủ những quy định của đơn vị. Hàng tháng, mỗi CBCS sẽ được bình xét cờ thi đua làm căn cứ để họp tổng kết cuối năm; có ý thức giữ gìn tác phong và hình ảnh CAND khi làm nhiệm vụ cũng như lúc đời thường; thực hiện viết nhật ký công tác trong ngày, không sử dụng điện thoại di động khi làm việc.
Đồng thời, anh còn tổ chức nhiều cuộc thi phong trào quản giáo giỏi ở các phân trại để CBCS có cơ hội nâng cao năng lực và thi đua trong thực hiện những nhiệm vụ; phát hiện sớm và chấn chỉnh những trường hợp CBCS có biểu hiện lệch lạc, thiếu trách nhiệm trong công việc. Hàng năm tạo điều kiện cho từ 30 - 50 cán bộ được đi học các trường đại học của ngành và ở địa phương để nâng cao về nghiệp vụ, về pháp luật, kỹ năng ứng xử, giao tiếp với PN...
Đặc biệt, Đại tá Ấm cũng rất chú trọng đến việc giáo dục, khuyên nhủ CBCS chú ý đến tác phong, thái độ ứng xử của mình với mọi người; nghiêm cấm các trường hợp đánh đập, xúc phạm PN; tổ chức cho đoàn viên kết nghĩa với các đơn vị bộ đội, trường học và địa bàn dân cư; bố trí công việc đúng người, đúng chức năng, chuyên môn...
Chính vì vậy, số lượng PN cải tạo tốt, chấp hành đúng nội quy của trại liên tục tăng, mỗi năm có hàng trăm PN được mãn hạn tù sớm để trở về với gia đình. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2019, Trại giam Hoàng Tiến đã có 2.375 PN được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, trong đó có 406 PN được giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại, có 23 PN được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Năm 2018, toàn Trại có 2.806 PN đủ điều kiện xếp loại, trong đó, xếp loại tốt: 415 PN, chiếm 14,79% ; xếp loại khá: 2.124 PN, chiếm 75,69%; xếp loại trung bình 207 PN, chiếm 7,38%; xếp loại kém: 60 PN chiếm, 2,14%.
Quý 3 năm 2019 có 3.423 PN đủ điều kiện xếp loại trong đó, xếp loại tốt: 432 PN, chiếm 12,62%; xếp loại khá: 2.581 PN, chiếm 75,40%; xếp loại trung bình 367 PN, chiếm 10,72%; xếp loại kém: 43 PN, chiếm 1,26%.
Đó là những con số biết nói cho thấy sự tận tụy, nỗ lực không ngừng của người chèo lái chuyến đò hoàn lương Nguyễn Hữu Ấm, cũng như sự quyết tâm, kiên trì của mỗi CBCS trại giam và sự cố gắng thi đua cải tạo tốt của từng PN.
Tuy còn nhiều khó khăn do số lượng CBCS nữ ít trong khi việc quản lý PN nữ rất vất vả, nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực của Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, trại giam Hoàng Tiến đã trở thành “thủ đô của các trại giam” với nhiều thành tích nổi bật trong công tác quản lý và giáo dục PN.
Hơn 36 năm gắn bó với sự trưởng thành của Hoàng Tiến, Đại tá Nguyễn Hữu Ấm đã vinh dự được 3 lần Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và được công nhận là Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân. Nhiều năm qua, anh luôn được tín nhiệm là Đảng ủy viên Cục C10, Cụm trưởng Cụm công tác Đảng và Công tác quần chúng số 2, bao gồm 7 đơn vị trại giam phía Bắc.
Anh bảo, luôn cảm thấy tự hào về những vinh quang mà nghề quản lý trại giam đã dành cho mình và luôn nhắc nhở bản thân phải không ngừng cố gắng hơn nữa để xứng đáng với hình ảnh người chiến sĩ CAND mà Đảng và nhân dân đã tin tưởng, giao phó.
Mai Thảo