TĐKT - Tháng 10/2019, bệnh nhân H.V.N (40 tuổi, Quảng Ninh) bị tai nạn lao động do dây tời cuốn, khiến cánh tay phải bị nhổ giật đứt rời hoàn toàn. Tưởng suốt đời tàn phế, nhưng sau khi được chuyển tuyến, bệnh nhân đã được phẫu thuật để “hồi sinh” cánh tay tại Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108.
Bác sĩ bệnh viện 108 đang thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật
Đến bây giờ, anh H.V.N vẫn bàng hoàng khi nhớ về cảnh mình bị dây tời cuốn văng cánh tay phải ra. Vết thương nặng, cánh tay đứt lìa hoàn toàn, mất máu nhiều, nhưng may mắn, ngay sau khi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cánh tay đứt rời đã được bảo quản đúng cách, sau đó anh được chuyển đến Bệnh viện TWQĐ 108.
Tại Bệnh viện TWQĐ 108, bệnh nhân nhanh chóng được tiếp nhận và thăm khám. Kíp phẫu thuật gồm Bs Vũ Hữu Trung và các cộng sự đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp “trồng nối” cánh tay phải cho bệnh nhân bằng kỹ thuật vi phẫu.
Ca phẫu thuật căng thẳng kéo dài trong suốt 5 giờ. Nhờ hệ thống kính hiển vi vi phẫu tiên tiến nhất, các bác sĩ có thể phóng to và thực hiện những kỹ thuật vi phẫu phức tạp mà mắt thường không nhìn thấy được.
Việc khâu nối lại mạch máu và các dây thần kinh cho anh N. là thao tác cực khó, ngoài yêu cầu sự khéo léo và tập trung cao độ, ca mổ cũng cần phải được tổ chức thực hiện theo các trình tự hợp lý để rút ngắn thời gian, tái cấp máu cho cánh tay đứt rời sớm nhất có thể.
Kết thúc ca mổ sau nhiều giờ nỗ lực, BS Trung và đội ngũ phẫu thuật bước đầu nối lại thành công và “hồi sinh” cánh tay có nguy cơ tàn phế của anh N.
Với vi phẫu thuật, mọi “phép màu” đều có thể xảy ra. Dưới bàn tay của các bác sĩ khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu, nhiều trường hợp đứt rời chi thể, hay những tổn thương liệt hoàn toàn hoặc liệt gần hoàn toàn chi trên đã được “hồi sinh”, trả lại chức năng vận động và khả năng hòa nhập cuộc sống.
Theo BS Vũ Hữu Trung, vi phẫu khâu nối và chuyển ghép thần kinh, mạch máu là những kỹ thuật phức tạp, cuộc mổ luôn kéo dài, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có sức khỏe, sự bền bỉ và cả sự khéo léo, tinh tế. Nhờ sự phát triển của vi phẫu thuật, có thể trả lại chức năng vận động cho người bệnh, ví dụ như liệt đám rối thần kinh cánh tay, những tổn thương thần kinh ngoại vi, hay những trường hợp đứt rời hoặc khuyết hổng phần mềm chi thể sau những chấn thương nặng, đặc biệt là do tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Kỹ thuật vi phẫu rất khó thực hiện và yêu cầu trang thiết bị hiện đại, vì vậy tại Việt Nam, ít cơ sở y tế có thể làm được, dẫn tới cơ hội chữa bệnh cho người bệnh còn nhiều hạn chế.
Tại khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Bệnh viện TWQĐ 108, các bác sĩ có “đôi bàn tay vàng” của ngành vi phẫu Việt Nam cùng các trang thiết bị như bàn phẫu thuật, kính vi phẫu được nhập khẩu đồng bộ từ các thương hiệu hiện đại nhất trên thế giới hàng ngày đã đáp ứng điều trị các mặt bệnh phức tạp ở chi thể với tỷ lệ thành công và phục hồi chức năng đều đạt trên 95%, mang lại hy vọng, trả lại cuộc sống mới cho rất nhiều bệnh nhân.
Mai Thảo