TĐKT - Ở ấp Hiệp Tâm (xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), không ai là không biết đến anh Phạm Minh Phong, chủ cơ sở cơ khí Thanh Phong. Anh được người dân gọi là “nhà sáng chế của nông dân”, bởi những nông cụ mà anh làm ra giúp bà con nơi đây giảm thiểu rất nhiều sự vất vả trong công việc nhà nông.
Anh Phong bên chiếc máy quạt tiêu và các loại nông sản
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, anh Phong thấu hiểu sự vất vả, cực nhọc của người nông dân. Với đam mê chế tạo cơ khí từ nhỏ, anh mong muốn có thể chế tạo được những máy móc, nông cụ để giảm bớt công việc cho người dân, tăng năng xuất lao động trong sản xuất nông nghiệp.
Từ mong muốn này, anh quyết định mở xưởng cơ khí Thanh Phong với hy vọng vừa để phát triển kinh tế gia đình, vừa thỏa niềm đam mê chế tạo của bản thân.
Theo anh Phong, ở Lộc Ninh, người dân chủ yếu trồng cây tiêu. Mỗi năm đến mùa thu hoạch, bà con trong vùng thường phải hái tiêu, suốt tiêu bằng cách dùng chân đạp cho tiêu rơi ra khỏi chổi. Gia đình anh cũng trồng tiêu nên anh hiểu rõ nỗi vất vả của người nông dân khi thu hoạch.
Bởi vậy, anh quyết tâm nghiên cứu để chế tạo ra loại máy có thể giúp bà con cũng như gia đình giảm bớt sự vất vả trong thu hoạch tiêu.
Nghĩ là làm, năm 1997 anh bắt tay vào nghiên cứu chế tạo máy suốt tiêu. Sau một thời gian, chiếc máy suốt tiêu đầu tiên của anh ra đời. Máy được sử dụng thủ công với một trục quay tay đơn giản.
Theo anh Phong, để ra lò được chiếc máy đơn giản ấy, anh đã tiêu tốn nhiều nguyên vật liệu, tiền của gia đình cho việc chạy thử máy.
Tuy nhiên, với sự ham mê không ngừng, anh Phong tiếp tục nghiên cứu để cải tiến máy suốt tiêu. Anh cải tiến bằng cách gắn thêm động cơ chạy bằng dầu diasel và sau đó là chạy bằng điện như hiện tại.
Chiếc máy suốt tiêu do anh Phong chế tạo
“Nguyên lý hoạt động của máy cũng khá đơn giản. Tiêu được đưa từ vườn cây về, đổ vào máng tiếp liệu và chảy xuống trục cuốn. Tại đây, những đoạn ruột sắt được quấn theo công thức riêng sẽ tạo lực ép để tiêu rời khỏi cuống. Sau khi bị tách rời, hạt tiêu rơi vào vỏ ống phía dưới, được khoan lỗ và đẩy xuống máng. Riêng cuốn tiêu cũng được đẩy ra ngoài theo một đường khác.”- anh Phong chia sẻ.
Chiếc máy có thể suốt được 8 tạ đến 1 tấn hạt tiêu mỗi 60 phút, nhanh gấp 10 lần so với suốt thủ công và còn có thể tự động phân chia hồ tiêu hạt to chắc với hạt nhỏ lép và cọng qua 3 máng riêng biệt.
Một sáng chế nữa phải kể đến của anh Phong chính là chiếc máy quạt tiêu và các loại nông sản. Để thiết kế được chiếc máy này, anh Phong đã mất 4 năm nghiên cứu và thử nghiệm tại xưởng cơ khí của mình.
Máy được thiết kế bằng tôn, có cấu tạo vững chắc giúp cho việc di chuyển phù hợp với mọi loại địa hình. Theo anh Phong, chiếc máy này vận hành khá đơn giản, chỉ cần đổ tiêu vào máng trên, sau đó kéo nhẹ lẫy là tiêu tự động chảy xuống và được quạt làm sạch. Lúc này, tiêu chắc thì được cánh quạt thổi sang 1 máng, tiêu lép được phân ra máng khác, bụi tiêu được thổi thẳng ra bên ngoài. Máy có công suất là 2 tấn/giờ.
Ngoài ra, anh Phong còn chế tạo thành công máy xay nhuyễn phân dê bón trực tiếp cho cây mà không cần mất thời gian ủ hoai và nhiều loại nông cụ khác.
Các sản phẩm do anh sáng chế được các hộ nông dân áp dụng vào sản xuất, phục vụ đời sống dân sinh, được các tỉnh, thành trong cả nước có các sản phẩm liên quan sử dụng và đã xuất khẩu sang Campuchia.
Với sáng chế của mình, anh Phong đã được các cấp khen thưởng. Đặc biệt, năm 2018 anh, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cấp giấy chứng nhận và tặng Bằng khen Nhà khoa học của nhà nông.
Bên cạnh việc chế tạo nông cụ, anh Phong còn là người tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn, anh Phong là người đi đầu trong việc tham gia đóng góp tiền của, công sức để xây dựng những con đường nông thôn mới khang trang.
Ngoài ra, hàng năm, vào dịp lễ, tết, anh đều ủng hộ hàng chục phần quà tặng cho hội viên nông dân và người có hoàn cảnh khó khăn. Cơ sở cơ khí của gia đình anh luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người và cho nợ với những người chưa có đủ tiền để mua sản phẩm.
Những đóng góp tích cực của anh với công tác xã hội được địa phương ghi nhận. Gia đình anh nhiều năm liền đạt tiêu chuẩn “gia đình văn hóa”. Năm 2014, anh được xã tuyên dương trong việc thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Năm 2016, anh được xã tặng giấy khen vì đã có nhiều thành tích trong công tác làm đường giao thông nông thôn.
Anh còn là một trong tấm gương điển hình được tôn vinh tại Lễ kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Bác do tỉnh Bình Phước tổ chức.
Tùng Chi