TĐKT - Sáng 7/10, tại xã Bát Tràng, UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) tổ chức họp báo Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch Bát Tràng. Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lý Duy Thanh chủ trì buổi họp báo.
Theo đó, Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch Bát Tràng sẽ được tổ chức từ ngày 9 - 13/10, gồm các hoạt động nổi bật như: Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch Bát Tràng (diễn ra vào tối 9/10), cắt băng khánh thành, ra mắt và khai trương hoạt động phục vụ khách du lịch, khai trương tổ hợp văn hóa, du lịch, thương mại “Bát Tràng, Chợ Chiều - Điểm đến ngàn năm”, khai mạc Hội chợ phiên văn hóa du lịch Bát Tràng, khai trương Không gian nhà cổ Tràng An… Đặc biệt, trong ngày 12/10 sẽ diễn ra lễ rước tổ nghề gốm sứ Bát Tràng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lý Duy Thanh chủ trì buổi họp báo
Ngoài các hoạt động trên, trong tuần lễ quảng bá du lịch, khách tham quan khi đến với Bát Tràng sẽ được xem biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống, thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc sắc của Bát Tràng, trải nghiệm một số sản phẩm du lịch thông minh: Kính trải nghiệm thực tế ảo, xe điện, xe đạp thông minh, máy thuyết minh tự động, cổng thông tin điện tử du lịch, apps du lịch Bát Tràng…
Điểm du lịch Bát Tràng khi đi vào hoạt động sẽ góp phần đẩy mạnh du lịch của làng nghề phát triển, đồng thời là cơ hội để địa phương giới thiệu cũng như quảng bá những nét đẹp độc đáo của làng nghề. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch; từng bước xây dựng Bát Tràng trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô.
Bát Tràng nằm ở tả ngạn Sông Hồng có diện tích đất tự nhiên 164 ha, có quá trình hình thành và phát triển gắn với Thăng Long - Hà Nội. Xã có 2 làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng và Giang Cao. Trong đó, làng nghề gốm sứ Bát Tràng được biết đến với những cư dân đầu tiên đến từ Yên Mô (Ninh Bình) và Bồ Bát (Thanh Hóa) theo vua Lý Công Uẩn đến lập làng Bạch Tổ Phường (Gò đất trắng) làm gạch, vật liệu xây dựng thành Thăng Long và cung đình, miếu mạo.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân nơi đây vẫn gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề nghiệp của cha ông như là “kế sinh nhai” vững bền; tác tạo ra những sản phẩm gốm sứ vô cùng tinh xảo, đa dạng, phong phú, đáp ứng được nhu cầu đời sống của các tầng lớp nhân dân trong nước và xuất khẩu.
Bát Tràng đã và đang là điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm.
Bát Tràng cũng được biết đến là vùng địa linh, có 9 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị như: Chùa Tiêu Dao, đình Giang Cao, miếu Bản; đình Bát Tràng, đền Mẫu, chùa Kim Trúc, văn chỉ Bát Tràng; có 2 di tích cách mạng kháng chiến gắn với Bác Hồ và là nơi nhạc sĩ Văn Cao in lần đầu tiên bài hát “Tiến quân ca” - Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Khu làng cổ rộng 5,2 ha có hàng trăm năm tuổi với 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ được xây dựng bằng gạch Bát Tràng cổ; với đường ngõ, xóm ngoằn ngoèo, chật hẹp và những bức tường cao chót vót gắn với những câu chuyện bảo vệ làng của người dân. Đây thực sự là những điểm đến vô cùng hấp dẫn đối với du khách đến thăm Bát Tràng.
Xã Bát Tràng hiện có 11 thôn với trên 8.500 nhân khẩu; kinh tế - xã hội phát triển theo hướng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ; không có sản xuất nông nghiệp. Có gần 1000 hộ đang sản xuất, kinh doanh gốm sứ; có hệ thống cửa hàng, cửa hiệu dọc theo tuyến đường từ làng Giang Cao đến làng Bát Tràng giới thiệu và bán các sản phẩm gốm sứ đẹp, phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách thăm quan, mua sắm.
Bát Tràng là xã duy nhất của huyện Gia Lâm có cơ cấu kinh tế các ngành chủ yếu là: Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (chiếm khoảng 53%); thương mại - dịch vụ - du lịch (chiếm khoảng 47%); không có nông nghiệp.
Giá trị thu nhập từ du lịch, thương mại, dịch vụ ngày càng tăng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt trên 59 triệu đồng/người/năm. Không có lao động thất nghiệp. Bên cạnh đó, làng nghề tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 3000 – 5000 lao động ở các địa phương khác.
Mai Thảo – Hồng Thiết