Người gửi gắm tình yêu Hà Nội qua những trang sách
04/10/2019 - 10:03

TĐKT - Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, GS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ (nguyên Trưởng khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn được biết đến là người đã gắn bó và am hiểu về mảnh đất và con người Thủ đô trong từng hơi thở cuộc sống. Ông đã gửi gắm tình yêu ấy đến với nhiều thế hệ sinh viên qua nhiều bài giảng lịch sử thú vị; đồng thời viết nên nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu khoa học mang tầm vóc lịch sử và thời đại về mảnh đất kinh kỳ phồn hoa đô hội này.

Hà Nội là nguồn sáng tạo nên những nghiên cứu giá trị

Tiếp chúng tôi tại căn nhà hơn 100 tuổi ở số 350 Phố Huế (Hai Bà Trưng, Hà Nội), vị giáo sư có mái tóc bạc phơ và bộ râu dài hiền từ trò chuyện như một vị tiên ông giữa tiếng ồn của phố phường đông đúc, nhộn nhịp. Ngồi cạnh những dãy sách là các công trình nghiên cứu, bài viết, bài giảng tâm huyết cả đời của mình, GS. TS Nguyễn Thừa Hỷ vừa trò chuyện, vừa vui vẻ mời chúng tôi những thức vị rất Hà Nội như: Cà phê, chuối ngự và lạc rang...

Vừa nhìn ra con đường trước mặt đang vang lên những âm thanh của nhựa sống, GS. TS Nguyễn Thừa Hỷ như sống lại thời thanh niên sôi nổi của mình giữa thủ đô ngàn năm văn hiến.

 

GS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ trong căn nhà của mình

Tốt nghiệp xuất sắc khóa 1, khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn) năm 1959, ông trở thành thầy giáo dạy lịch sử tại trường.

Năm 1984, từ sự hướng dẫn của Giáo sư Phan Huy Lê cùng tình yêu với mảnh đất đã sản sinh, nuôi dưỡng mình, ông đã chọn đề tài “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX: Kết cấu kinh tế - xã hội của một đô thị trung đại” để bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) đầu tiên của khoa Lịch sử khi ấy.

Công trình trở thành nghiên cứu tiêu biểu về Thăng Long - Hà Nội được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trích dẫn nhiều khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam nói chung và đặc biệt về lịch sử Thăng Long - Hà Nội nói riêng.

Công trình đã được dịch sang tiếng Anh (Nhà xuất bản Thế giới ấn hành, năm 2002), được nhiều học giả và bạn đọc của nhiều nước biết đến, góp phần quảng bá lịch sử và văn hóa Việt Nam nói chung, lịch sử và văn hoá Thăng Long - Hà Nội nói riêng với bạn bè quốc tế.

Công trình được bổ sung và xuất bản trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” nhân đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tiếp tục được giới nghiên cứu và bạn đọc đánh giá cao.

Chia sẻ về phương pháp nghiên cứu đề tài ấy, GS. TS Nguyễn Thừa Hỷ cho biết: Thay vì tiếp cận các nguồn tài liệu cổ trong nước và tri thức dân gian, ông đã chủ động tìm kiếm các thư tịch, tài liệu cổ nước ngoài để có những trích nguồn chính xác và phù hợp. Để làm được điều đó ông đã phải sử dụng vốn kiến thức tiếng Anh và tiếng Pháp của mình để dịch các tài liệu, đến thư viện mượn sách trong điều kiện hết sức khó khăn và điều kiện kinh tế còn quá nhiều thiếu thốn.

Những quan điểm mới khi tiếp cận những lớp văn hóa, lịch sử Hà Nội mới lạ như: Nhìn thẳng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam để nhìn nhận đặc điểm của xã hội đô thị có sự hài hòa giữa thành thị và nông thôn, giữa những đẳng cấp trong xã hội,…cùng với đó là hướng nghiên cứu “phức hợp” được ông sử dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt để tìm hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau nhằm có cái nhìn khách quan hơn về Thủ đô trong quá khứ, tạo nên những giá trị to lớn trong khoa học lịch sử nhưng cũng tạo nên những luồng dư luận trái chiều.

Tuy nhiên, sau khi đất nước tiến hành đổi mới để mở cửa và hội nhập, những phát kiến mới của ông dần được ghi nhận và trở thành nguồn thông tin hữu ích, góp phần bổ sung vào kho kiến thức lịch sử của nước nhà. Một học giả người Mỹ đã dịch sang tiếng Anh, biến luận văn của ông trở thành đề tài lịch sử hấp dẫn nhiều học giả quốc tế.

Từ đề tài nghiên cứu khoa học của mình, GS. TS Nguyễn Thừa Hỷ đã viết nên nhiều cuốn sách liên quan đến đề tài Hà Nội. Tiêu biểu là cuốn “Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX”  năm 2006 và được xuất bản vào đúng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cùng nhiều bài tham luận và các cuốn sách có giá trị.

Tình yêu từ cái nhìn “phức hợp”

Luôn coi Hà Nội là đề tài hấp dẫn với những kiến thức phong phú, bất tận mà phải dùng cả đời mình để chiêm nghiệm và nghiên cứu, bằng tình yêu với mảnh đất kinh kỳ này, GS. TS Nguyễn Thừa Hỷ cho rằng: Hà Nội là vi mẫu của cả nước. Đây là nơi hội tụ rất nhiều tinh hoa nhưng cũng là vùng trũng chứa đựng nhiều vấn đề xã hội đáng phải suy ngẫm.

 

Một số tác phẩm của GS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ

Bằng lối tư duy biện chứng của mình, ông cho rằng: Tuy Hà Nội cũng như xã hội Việt Nam hiện nay đang có nhiều biểu hiện tiêu cực ở một vài lĩnh vực, gây hoang mang, dao động trong một bộ phận người, nhất là lớp trẻ nhưng trong tương lai không xa, sự phát triển mới với nhiều giá trị lớn lao sẽ xóa bỏ hết đi những hạn chế, tiêu cực ấy. Chính vì vậy, mỗi người dân Hà Nội nên có những trăn trở tích cực, để rồi từ đó biết vượt lên khó khăn để xây dựng Thủ đô ngày một phát triển, phồn vinh.

Từng chứng kiến sự đổi thay của Hà Nội qua nhiều thăng trầm lịch sử, GS. TS Nguyễn Thừa Hỷ luôn yêu và trân trọng từng giá trị mà Thủ đô đã, đang và sẽ có. Trong cái nhìn của ông, người dân Thủ đô là sự hội tụ rất nhiều đặc tính tốt đẹp của người Việt Nam nhưng cần phải được đánh thức tư duy để có những bứt phá giải phóng mình, để yêu Hà Nội bằng một tình yêu đích thực, không vì thành tích, vụ lợi mà làm mất đi những nét đẹp vốn có của Thủ đô.

Hiện nay, dù đã bước sang tuổi 83 và mắc bệnh viêm đa khớp từ nhiều năm nay, mọi việc đi lại đều phải nhờ đến nạng hoặc xe lăn và bàn tay chăm sóc của vợ nhưng GS. TS Nguyễn Thừa Hỷ vẫn miệt mài với nhiều công trình sách mới về Hà Nội cũng như lịch sử thế giới.

Mỗi ngày, ông đều làm việc 8 tiếng, tự mình sử dụng máy tính và dịch các tài liệu để phục vụ cho các tác phẩm mang tên mình. Với ông, làm khoa học chính là một thú vui của tuổi già để hạn chế sự trì trệ trong tư duy, bắt kịp xu hướng mới của thời đại.

Do tuổi cao, lại mới trải qua cơ bạo bệnh nên không thể đến thư viện, ông đã tự tạo cho mình một kho sách điện tử lên tới 15000 sách cùng 1000 cuốn trên giá sách vẫn thường được ông sử dụng để tham khảo, tra cứu.

Trong suy nghĩa của ông, sống là cả một quá trình làm việc cần mẫn để tư duy, sáng tạo. Bởi vậy, ông luôn tâm niệm: “Đừng chết khi còn sống”.

Dự định, trong năm nay ông sẽ viết thêm một cuốn Hà Nội thời Lê Trung Hưng và tiếp tục hoàn thành bản thảo Lịch sử Việt Nam tập 10 – đàng Ngoài 1593 - 1771 thuộc đề án khoa học cấp quốc gia.

Bên cạnh đó, GS. TS Nguyễn Thừa Hỷ còn trực tiếp hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh mỗi khi họ tìm đến ông để học hỏi thêm về kiến thức. Học trò của ông nhiều người đã thành đạt và có địa vị trong xã hội nhưng luôn yêu mến, kính trọng ông ở hướng nghiên cứu dám nhìn thẳng vào thực tiễn và trung thực trong làm khoa học. Cháu ngoại ông cũng chính là một trong số những sinh viên xuất sắc đã được thừa hưởng lòng say mê với lịch sử và khoa học chân chính ấy.

Từ những đóng góp đó, GS. TS Nguyễn Thừa Hỷ đã được nhận Giải thưởng cao quý của Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2012, giải thưởng Bùi Xuân Phái “Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 12 năm 2019. Đặc biệt, ông vinh dự được đề cử là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019.

 Hy vọng rằng, trí tuệ phi thường cũng như tình yêu tha thiết với Hà Nội sẽ là những động lực to lớn để ông có nhiều cống hiến về mặt khoa học hơn nữa vì sự phát triển của Thủ đô trong thời gian tới.

Ngọc Huyền