TĐKT - Sinh ra trên quê hương có truyền thống hát Văn, diễn xướng hầu đồng từ xa xưa ở vùng núi đại ngàn Nưa, nay thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ngay từ khi còn nhỏ, bà Nguyễn Thị Dược đã được nghe những lời văn cổ mượt mà, thiết tha của các nghệ nhân tiền bối hát trong dịp khánh hội ở các đền thờ Tam Tứ Phủ tại quê nhà như dòng sữa mẹ ngọt ngào nuôi bà lớn lên. Tới khi trưởng thành, xây dựng gia đình, bà luôn thiết tha, đau đáu trong tâm việc gìn giữ nghệ thuật diễn xướng chầu văn. Nay đã ở tuổi ngoài “thất thập cổ lai”, bà Dược đã có trong tay hàng chục bài Văn cổ. Không chỉ có vậy, bà Dược còn truyền dạy cho các bạn trẻ trên quê hương bảo tồn, phát huy những lời Văn cổ của cha ông.
Ở tuổi xế chiều nhưng bà Dược vẫn giữ được sức khỏe và nhiệt huyết. Bà cho hay, chính nghệ thuật diễn xướng hầu đồng, hát Vănvà việc gìn giữ vốn văn hóa của dân tộc này đã giúp bà sống vui sống khỏe đến giờ và cũng chính sự tâm huyết nhiệt tình với môn nghệ thuật này đã làm nên tên tuổi bà.
Bà Dược chụp cùng giáo sư sử học Dương Trung Quốc tại đền thờ song thân Tam Kiệt tỉnh Bình Định.
Không học qua trường lớp biên đạo múa hay âm nhạc nhưng với lòng nhiệt tình, đam mê, tâm huyết với vốn văn hóa cổ cha ông, nhiều năm qua bà từng đưa nghệ thuật diễn xướng hầu đồng,hát Văn trình diễn khắp các đền thờ, điện phủ và các nhà hát trong cả nước.
Đặc biệt, năm 2017,bà đã thay mặt cho hàng nghìn thanh đồng xứ Thanh được chọn đi biểu diễn tại Festival Yên Bái. Trong chương trình này, bà Dược chính thức được công nhận là Nghệ nhân văn hóa dân gian.
Không dừng lại ở trong nước, năm 2018 Nghệ Nhân Nguyễn Thị Dược còn được giới truyền thông mời sang Liên bang Nga diễn xướng hầu đồng và đã vinh dự được Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa hầu đồng, hát Văn của dân tộc ta. Cũng trong năm này nghệ nhân Nguyễn Thị Dược được chọn là nghệ nhân thanh đồng tham gia diễn xướng hầu đồng,hát Văn tại Malaysia.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Dược đang nhận Cúp Vàng tại Liên hoan giao lưu văn hóa Việt Nam - Asean 2018
Trong quá trình thành lập Hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh công nhận tín ngưỡng Tam Tứ Phủ là di sản văn hóa đặc biệt của nhân loại, nghệ nhân Nguyễn Thị Dược đã tích cực tham gia đóng góp công sức, tài năng thành tích nổi bật. Nhất là trong việc khảo cứu, cung cấp hình ảnh tư liệu, chụp hình trình diễn lề lối cho các nhà nghiên cứu biên tập soạn thảo đưa vào hồ sơ xét trình lên tổ chức UNESCO. Ngoài ra bà còn phối hợp với Hội Di sản cổ vật Thanh Hóa thành lập các câu lạc bộ bảo tồn di sản tín ngưỡng tam tứ phủ chầu văn diễn xướng hầu đồng tại các huyện nhằm xây dựng phong trào bồi dưỡng tài năng trẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Dược tâm sự: Hiện nay,ở Thanh Hóa, lớp nghệ nhân hát Văn diễn xướng hầu đồng như tôi còn ít lắm, cách diễn xướng truyền dạy chủ yếu là theo lối truyền khẩu khó tiếp thu. Khó nhất nữa là cách diễn xướng không chỉ đúng động tác, đúng nhịp mà chủ thể thanh đồng khi hầu phải nghe được văn, thể hiện được phong cách đoan trang cốt cách thanh tân.
Hiểu được những khó khăn trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy nghệ thuật diễn xướng này, nhiều năm liền bà đã đi khắp các đền phủ tích cực sưu tầm lời văn cổ biên tập thành sách truyền dạy cho các thanh đồng trẻ trong câu lạc bộ do bà làm chủ nhiệm. Mặc dù kinh phí còn khó khăn do tự cung, tự cấp nhưng với nghệ nhân Nguyễn Thị Dược thì đây là sân chơi văn hóa lành mạnh, vui vẻ, nâng cao sức khỏe, góp phần gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của quê hương.
Là nghệ nhân cao tuổi, bà Nguyễn Thị Dược luôn ý thức vai trò, trách nhiệm và gương mẫu trong đời sống cũng như trong công việc của câu lạc bộ. Các con cháu bà đều học giỏi, chăm ngoan, gia đình hạnh phúc. Nhiều năm liền, gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Dược được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu, được trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen các loại.
Thuận Hiếu