TĐKT - Sáng 30/9, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp tiếp tục phát triển về số lượng, quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động. Số lượng tổ hợp tác (THT), HTX và Liên hiệp HTX tăng khá ở các địa phương, chiếm tỷ trọng 39% tổng số HTX trong nền kinh tế. Các loại hình HTX phi nông nghiệp trong lĩnh vực môi trường, thương mại và dịch vụ tăng khá. Tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng ngành nghề và cơ sở sản xuất tập trung, quản trị linh hoạt và từng bước hiện đại…
Hết năm 2018, cả nước có 64.081 THT phi nông nghiệp đăng ký hoạt động trong nền kinh tế (tăng 14% so với năm 2003), với 665.271 thành viên, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, mang lại hiệu quả cho thành viên chiếm 79%.
Cuối năm 2018, tổng giá trị tài sản của HTX phi nông nghiệp là 158.643 tỷ đồng, chiếm 92% tổng giá trị tài sản khu vực HTX và tăng 7,2 lần so với cuối năm 2003. Có 1,7 triệu lao động làm việc trong HTX phi nông nghiệp, tăng 2,4 lần so với năm 2003; thu nhập của lao động từ 15,2 triệu đồng/người năm 2003 tăng lên 59,1 triệu đồng/người/năm 2018, gấp 1,5 - 2 lần so với HTX nông nghiệp.
Phần lớn HTX phi nông nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Năm 2018, bình quân một HTX có doanh thu 8,5 tỷ đồng và lãi 0,48 tỷ đồng, tăng từ 2 - 5 lần so với năm 2003.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong phát triển của kinh tế tập thể và hợp tác xã nói chung, lĩnh vực phi nông nghiệp nói riêng. Đây là sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời điểm các bộ, ngành, địa phương đang chuẩn bị tổng kết 15 năm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” để góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý, phát huy vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới.
Phó Thủ tướng biểu dương kinh tế tập thể sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW đã có nhiều chuyển biến, nhiều loại hình phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, từng bước phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Điều này góp phần khẳng định Nghị quyết 13-NQ/TW là một chủ trương đúng đắn nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, giúp các hợp tác xã thoát khỏi tình trạng yếu kém. Không những thế, kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã có sự phát triển cả về lượng và chất, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển mới.
Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, kinh tế tập thể, hợp tác xã nói chung và hợp tác xã phi nông nghiệp nói riêng vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng và cần có các giải pháp căn cơ, lâu dài để khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua thách thức.
Theo đó, khu vực kinh tế tập thể cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về phát triển kinh tế tập thể; hàng năm tổ chức tiếp xúc giữa chính quyền với các hợp tác xã phi nông nghiệp để đánh giá hiệu quả hoạt động, nắm bắt khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời, kiện toàn, tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã, tạo sự thống nhất từ trung ương đến địa phương nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, phân tán trong quản lý nhà nước…
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển hợp tác xã phi nông nghiệp mà địa phương có tiềm năng, lợi thế; ưu tiên thực hiện hiệu quả một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển.
Đặc biệt, các sở, ngành phải thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động của kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp để có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các hợp tác xã.
Hồng Thiết