TĐKT - Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đã thực hiện tốt và thành công trong công tác phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.
Kết quả từ sự nỗ lực không ngừng
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế -xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020, Ban Cán sự Đảng Bộ LĐ-TBXH đã chủ động chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp và các nhiệm vụ được giao có liên quan đến nội dung cụ thể.
Theo đó, tổ chức quán triệt, tuyên truyền theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị tới từng đảng viên, cán bộ chủ chốt. Bộ LĐ-TBXH đã yêu cầu các đơn vị quan tâm, lồng ghép các chính sách, giải pháp phát triển lao động, người có công, xã hội của vùng theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Đồng thời Bộ LĐ-TBXH thường xuyên phối hợp với các tỉnh/ thành phố trong vùng triển khai các hoạt động nhằm có sự quan tâm trong địa bàn.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW
Có thể nói sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhiệm vụ trọng tâm của ngành có liên quan tới sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh cho vùng được Bộ LĐ-TBXH thực hiện cơ bản đã có hiệu quả. Các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đã hoàn thành và vượt so với yêu cầu đề ra góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của toàn Vùng.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá rất cao những nỗ lực của các đơn vị thuộc bộ, các ban ngành chức năng, đặc biệt các địa phương trong vùng đã có sự nỗ lực phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội tại địa phương, cũng như sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo địa phương trong việc đưa ra những giải pháp, huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội nói riêng.
Đặc biệt, công tác phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm đã được tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Thị trường lao động ngày càng phát triển; các hoạt động thông tin, dự báo thị trường lao động được triển khai đồng bộ. Thị trường xuất khẩu lao động tiếp tục được củng cố và phát triển, một số thị trường trọng điểm có mức tăng trưởng hàng năm cao như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Chất lượng nguồn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài của thành phố từng bước được nâng cao.
Giai đoạn 2005 - 2018, các chỉ tiêu về thị trường lao động, giải quyết việc làm cơ bản hoàn thành tốt theo kế hoạch đặt ra: Giai đoạn 2006 - 2018, giải quyết việc làm cho 2,174 triệu lao động, 6 tháng đầu năm 2019, giải quyết cho 710.000 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Vùng tăng đều qua từng năm (năm 2014: 39,64%, năm 2015: 41,66%, năm 2016: 42,79%, năm 2017: 45,29%, năm 2018: 47,31%).
Cũng theo đó, giai đoạn từ 2005 - 2020 từ nguồn lực đầu tư của nhà nước thông qua các chính sách và chương trình giảm nghèo, người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của nhà nước. Đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tỷ lệ nghèo các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc giảm nhanh, từ 38,72% (2005) xuống còn 31,38% (2010); 25,77% (2015) và 15,82% (2018). Tỷ lệ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5,5%/năm, các xã nghèo giảm bình quân từ 3 - 4%/năm.
Đến hết năm 2018, toàn vùng có 7 huyện thoát nghèo và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, 72 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong khu vực đạt chuẩn nông thôn mới.
Thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ
Tuy nhiên, vùng Trung du miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất của cả nước, đa phần là các các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, có tỉnh 99% hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số như Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu. Tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo tương đối cao.
Tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng và có tác động lâu dài đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn do chưa khai thác, huy động được nhiều nguồn lực tại chỗ, chưa phát huy được nội lực trong dân; vẫn tồn tại quan điểm trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách.
Chất lượng lao động là người dân tộc thiểu số còn thấp nên khả năng giải quyết việc làm tại chỗ và nâng cao chất lượng việc làm không cao. Sự gắn kết giữa các chương trình giảm nghèo và đào tạo nghề với các chính sách, chương trình giải quyết, hỗ trợ tạo việc làm còn hạn chế dẫn đến việc đào tạo, giải quyết, hỗ trợ tạo việc làm đạt hiệu quả chưa cao. Thiếu nguồn lực để thực hiện các chính sách, chương trình, đề án về đào tạo, giải quyết, hỗ trợ tạo việc làm.
Điều kiện kinh tế khó khăn, vị trí địa lý hiểm trở nên công tác thông tin tuyên truyền cũng như việc nắm bắt, thống kê, quản lý lao động gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các chính sách.
Thời gian tới, những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục được triển khai bao gồm: Ban hành, hoàn thiện các văn bản chính sách, cơ chế đối với Vùng; thực hiện các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm; phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; làm tốt công tác trợ giúp xã hội và giảm nghèo; tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-TW; đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh vùng Trung du miền núi Bắc bộ là vùng đảm bảo sinh thái, sinh quyển, khí quyển, thủy quyển đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cho cả nước. Vùng có vị trí đặc biệt về quốc phòng, an ninh với đường biên giới dài. Bên cạnh đó, đây là vùng có nhiều di sản văn hóa, truyền thống lịch sử. Tuy nhiên, đây cũng là vùng có nhiều khó khăn về khí hậu, địa lý, hay xảy ra thiên tai.
Cần có những đánh giá sâu hơn về các chỉ tiêu đã đặt ra, đặc biệt những chỉ tiêu như tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động qua đào tạo, số lao động có việc làm, tỷ lệ sử dụng lao động nông thôn... sau khi triển khai Nghị quyết có được những tiến bộ như thế nào, trên giác độ xã hội, có thu hẹp được khoảng cách giữa vùng Trung du miền núi Bắc bộ với các vùng khác được không. Đánh giá công tác thực hiện các mục tiêu cũng như những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.
Ngoài ra, các cơ chế và chính sách đặc thù chính như cơ chế, chính sách đặc thù cho dạy nghề cho lao động nông thôn miền núi và tạo việc làm; cơ chế thu hút vốn; cơ chế đặc thù với giảm nghèo miền núi đang rất cần đánh giá xem đã phù hợp với thực tế chưa, các tiêu chí đã phù hợp chưa. Đồng thời, để phát triển hơn nữa, cần đánh giá chi tiết sự phối hợp, kết hợp, làm rõ trách nhiệm trong quản lý giữa các đơn vị liên quan và các chính sách về an sinh xã hội đối với khu vực này cần thay đổi như thế nào để thiết thực, hiệu quả hơn.
Hồng Thiết