TĐKT - Ở vùng cát trắng thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, nhiều năm nay, mô hình trồng măng tây xanh theo hướng an toàn đã được triển khai và nhân rộng. Măng tây xanh trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho bà con người Chăm nơi đây.
Mô hình trồng măng tây xanh tại thôn Tuấn Tú được nhiều đoàn tới tham quan, học tập
Thôn Tuấn Tú hiện có 446 hộ, với trên 2.100 nhân khẩu, phần lớn là người dân tộc Chăm. Bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, Tuấn Tú xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giờ đây, những đồi cát quanh năm trơ trụi trước nắng gió đã được phủ xanh bằng nhiều loại cây màu ngắn ngày và đặc biệt là măng tây xanh - loại cây trồng mới đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao, giúp nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững trong tương lai.
Cây măng tây xanh là một loại rau cao cấp, có hàm lượng dinh dưỡng khá cao, gồm 83% nước và 17% chất khô. Trong đó, có 2,2% protein, 1,2% glucid, 0,6% celluloze và 21% các chất khoáng như Mg, K, Ca... Ngoài ra, măng tây xanh còn có tác dụng chống lão hóa, chống béo phì, làm giàu sữa mẹ và đặc biệt là giảm lượng cholesteron trong máu, giúp ổn định huyết áp. Vì những lợi ích đó, cây măng tây được giới ẩm thực ưa thích.
Năm 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận đưa cây măng tây xanh vào trồng thí điểm trên vùng đất cát tại thôn Tuấn Tú. Nông dân Hùng Ky tiên phong trồng thử nghiệm bốn sào (1.000 m2/sào). Sau tám tháng, măng tây xanh bắt đầu thu hoạch đều đặn mỗi ngày từ 5 kg/sào. Từ năm thứ hai trở về sau, năng suất liên tục nâng cao, bình quân thu hoạch mỗi ngày từ 8 – 10 kg/sào. Sản phẩm được Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận đến thu mua tận vườn với giá từ 55 – 60 nghìn đồng/kg (loại 1) và từ 35 – 40 nghìn đồng/kg (loại 2).
Thấy cây măng tây xanh dễ trồng và thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, ông Hùng Ky đã mở rộng diện tích lên 2,4 ha và đầu tư khoảng 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống nước tưới nước phun mưa tiết kiệm, mỗi năm thu nhập hơn 400 triệu đồng.
Tham quan băng chuyền phân loại măng tây
Theo các hộ trồng măng tây xanh, khí hậu khô nóng cộng với đất cát thịt ở Ninh Thuận thích hợp cho cây măng tây xanh phát triển. Măng tây xanh sinh trưởng chủ yếu nhờ phân hữu cơ, nước sạch. Sau một đêm, cây măng có thể dài thêm từ 10 - 15 cm. Cây chủ yếu sinh trưởng trong đêm nên người trồng thường thu hoạch vào khoảng 5 - 6 giờ sáng lúc măng tươi, giòn, chưa lên bông. Trồng măng tây xanh ít tốn công chăm sóc, bón phân, ít phải phun thuốc, khi có sâu bệnh dùng chế phẩm sinh học xịt nên rất an toàn.
Để tối ưu hóa chi phí đầu tư, người trồng lắp đặt thêm hệ thống tưới nước tiết kiệm phun mưa, tưới nhỏ giọt cho cây. Việc làm này không chỉ tiết kiệm được nước mà còn giảm được 70% công lao động, 50% phân bón, giảm tình trạng cát bay mà năng suất lại gấp đôi.
Ông Hùng Ky cho biết: Mỗi ha trồng măng tây xanh, cần đầu tư ban đầu khoảng 30 - 40 triệu đồng để mua cây giống. Cây măng tây xanh cho thu hoạch 3 tháng mỗi vụ, sau mỗi vụ cho cây nghỉ dưỡng một tháng và cứ thế thu hoạch liên tục trong thời gian gần 10 năm. Nông dân thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp ba, bốn lần so với cây rau màu khác trên cùng diện tích.
Nhờ loại cây này mà nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu và cho con cái ăn học bài bản. Sau bốn năm sinh trưởng, 1 sào măng tây xanh của hộ anh Châu Văn Năng ở Tuấn Tú cho thu hoạch bình quân 10 kg/ngày. Anh Năng thu nhập khoảng 600 nghìn đồng/ngày, chất lượng đời sống ngày càng tốt hơn. Vốn là một hộ nghèo trong thôn, chỉ có 500 m2 đất để canh tác, ông Hứa Văn Sắn đã thu mua măng tây xanh đưa ra thị trường tiêu thụ, vươn lên trở thành hộ giàu…
Cánh đồng trồng măng tây theo tiêu chuẩn organic tại thôn Tuấn Tú
Đặc biệt, trên mỗi sào đất sản xuất, nông dân còn trồng xen cây đậu phộng, cải trắng với măng tây xanh, đây là giải pháp vừa hạn chế cỏ dại phát triển vừa tăng thu nhập cho mỗi mùa vụ. Sau khi thu hoạch các loại mây màu với thời gian xen kẽ, bà con còn tận dụng cả nguồn phế phẩm của các loại cây màu này để tăng độ phì cho đất tốt hơn.
Với tinh thần vượt khó, chủ động trong sản xuất, đồng bào Chăm thôn Tuấn Tú đã biến hàng chục ha đất cát thường xuyên bị bỏ hoang vào mùa hạn thành cánh đồng măng tây xanh tốt, có giá trị và năng suất cao. Đời sống nhân dân ngày càng khấm khá, bà con tích cực tham gia các phong trào địa phương, thực hiện nếp sống văn minh, có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường…
Phương Thanh