TĐKT - Theo đánh giá kết quả cải cách hành chính năm 2018 của các đơn vị khối tổng cục thuộc Bộ Tài chính theo Quyết định 1703/QĐ-BTC, Tổng Cục Hải quan đứng đầu trong bảng công bố chỉ số theo dõi.
Trong chấm điểm cải cách hành chính các đơn vị khối Tổng cục với thang điểm 100, Tổng cục Hải quan xếp thứ 1/5 (đơn vị đánh giá 97,5; điểm thẩm định là 96,5), Kho bạc Nhà nước xếp thứ 2 (đơn vị đánh giá 99,5; điểm thẩm định là 96), Tổng cục Thuế (đơn vị đánh giá là 98,5; điểm thẩm định là 95,5), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (đơn vị đánh giá là 100; điểm thẩm định là 95), Tổng cục Dự trữ Nhà nước (điểm tự chấm là 96; điểm thẩm định là 94).
Tổng cục Hải quan đứng đầu nhà nước về chỉ số cải cách hành chính
Nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, giảm chi phí cho doanh nghiệp, thời gian qua, ngành Hải quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt kế hoạch cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch cải cách hành chính năm 2018 của Bộ Tài chính.
Thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục tập trung cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tài chính công và hiện đại hóa ngành. Cơ quan Hải quan tiếp tục triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi và giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Việc cơ quan Hải quan công khai bộ thủ tục hành chính hải quan giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với thủ tục hành chính. Các đề xuất bãi bỏ thủ tục không cần thiết; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cắt giảm điều kiện kinh doanh lĩnh vực hải quan dự kiến tiết kiệm cho cộng đồng doanh nghiệp khoảng 15 tỷ đồng/năm nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan.
Công tác kiểm tra chuyên ngành được Tổng cục Hải quan thúc đẩy các bộ, ngành thực hiện thường xuyên, qua đó tác động đến các bộ, ngành phải tăng cường cải cách hoạt động hơn nữa.
Ngành hải quan đề ra mục tiêu triển khai xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tăng lên 80%; đẩy mạnh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.
Qua kết quả công bố chỉ số theo dõi, đánh giá, các đơn vị khối tổng cục thuộc Bộ Tài chính đều đạt trên 90% điểm so với điểm tối đa và không có sự chênh lệch nhiều. Điều này cho thấy kết quả cải cách hành chính của các đơn vị là khá cao và toàn diện. Kết quả này cũng thể hiện sự quan tâm của đơn vị trong việc chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính với các chương trình, kế hoạch cụ thể và đạt kết quả thiết thực.
Việc triển khai thực hiện xác định chỉ số cải cách hành chính đã góp phần giúp Bộ Tài chính tiếp tục giữ vững vị trí xếp hạng thứ 2/19 bộ, cơ quan ngang bộ trong 4 năm liền (2014, 2015, 2017 và 2018). Đây là cơ sở quan trọng khẳng định hơn nữa mục tiêu, ý nghĩa của chỉ số cải cách hành chính, trong đó có việc giúp Bộ Tài chính nói chung và các đơn vị thuộc bộ nói riêng đạt được những kết quả cải cách hành chính, đổi mới và từng bước hoàn thiện chính sách, thể chế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Hồng Thiết