TĐKT - Suốt 33 năm qua, đồng thầy Trần Đức Thắng ở 246 Âu Cơ, phường Nhật Tân, Tây Hồ (Hà Nội) vẫn miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu, lặng lẽ giữ gìn và phát huy nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Đồng thầy Trần Đức Thắng cùng vợ đã dành nhiều công sức để giữ gìn và tôn tạo bản điện khang trang
Năm nay đã bước qua tuổi 63, nhưng những thước phim của cuộc đời đồng thầy Đức Thắng lại được tua lại một cách rõ nét qua những ký ức cách đây chừng hơn 30 năm. Đồng thầy Trần Đức Thắng kể, gia đình nhà Thầy đã có truyền thống với công tác tâm linh từ trước những năm 1945. Khi đó, cụ nội của thầy là Trần Văn Nhớn có căn thờ phụng nhà Thánh đã lập bản điện từ rất sớm. Bản điện cũng là nơi nuôi các cán bộ tiền khởi nghĩa trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Là một người con, người cháu trong gia đình có truyền thống nhiều đời theo nghiệp phụng sự Thánh nên ít nhiều ngay từ nhỏ thầy Thắng cũng ảnh hưởng theo tín ngưỡng tâm linh. Từ nhỏ, thầy Thắng đã biết đến những đàn lễ của ông, của bố mẹ, những lời ca tiếng hát trong những giá hầu Mẫu, hầu Thánh.
Thấu hiểu được đây là một công việc mang tính tín ngưỡng đậm bản sắc dân tộc, cần được bảo vệ, duy trì và phát triển nên thầy Thắng đã quyết định theo đuổi. Năm 1987, thầy Thắng chính thức đội lệnh xin làm việc Thánh.
Kế thừa truyền thống cha truyền con nối, đời đời gìn giữ, bảo lưu những di sản quý của dòng họ và của đất nước, từ ngày cai quản bản điện, thầy Thắng luôn nhất tâm thành kính tu thiết bản đền.
Thầy Thắng cho hay, trước đây bản điện chỉ là cây Hương Chúc Đài được các cụ dựng lại. Qua nhiều năm, bản điện nhiều lần bị phá bỏ do vỡ đê, giải tỏa làm đường. Điện được phục dựng lại năm 1974 nhưng còn rất nhỏ. Với sự đồng thuận của vợ, hai vợ chồng thầy đã chăm chỉ làm lụng, chắt chiu tôn tạo bản điện. Đến nay, bản điện Hương Chúc Đài rất khang trang, tôn nghiêm. Tại bản điện Hương Chúc Đài này đã có rất nhiều đệ tử tiếp tục kế thừa và gìn giữ những giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc.
33 năm phụng sự nhà Thánh, hiểu được những ý nghĩa nhân văn của công việc mình đang làm, đồng thầy Đức Thắng nguyện dành cả cuộc đời gìn giữ nét đẹp văn hoá vốn có của tín ngưỡng thờ Mẫu. Bên cạnh đó, thầy luôn phát tâm làm việc thiện. Với thầy, giúp đỡ mọi người cũng chính là giúp bản thân mình, giúp mình cảm thấy thanh thản và bình yên.
Có dịp gặp gỡ, nghe thầy Đức Thắng chia sẻ về những nét đẹp trong văn hoá thờ Mẫu và hầu đồng của người Việt, mới thấy hết được nét văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc Việt Nam. Điều mà thầy Thắng luôn trăn trở là tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn được cho là mê tín dị đoan, chứa nhiều bí ẩn đối với nhiều người mặc dù nghi thức này đã được UNESCO vinh danh.
Hiện nay một số người làm công việc này đã tự “thần thánh hóa” bản thân, lợi dụng hầu đồng để chuộc lợi cá nhân, làm thay đổi ý nghĩa của hoạt động vốn có bản chất tốt đẹp mang lại hạnh phúc và bình an cho mọi người. Thầy Thắng bảo chỉ mong sao việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được tôn trọng, lưu giữ và tạo điều kiện phát triển đúng chuẩn mực.
Hiếu Thuận