TĐKT - Với phương châm “tích tiểu thành đại” gắn với tinh thần “tương thân tương ái”, mô hình “Hũ gạo tình thương” của Hội Chữ thập đỏ huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) đã giúp đỡ, hỗ trợ được cho nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật có động lực vươn lên và nhiều học sinh nghèo hiếu học được tiếp sức đến trường.
Người dân đều tích cực hưởng ứng mô hình “Hũ gạo tình thương”
Mô hình “Hũ gạo tình thương” ở huyện Châu Thành A được triển khai đầu tiên tại xã Tân Hòa từ năm 2004. Người khởi xướng lên phong trào này là ông Huỳnh Công Danh, Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ (CTĐ) xã.
Chia sẻ về mô hình này, ông Danh cho biết: Thời gian đầu, mô hình được triển khai tại các nhà máy xay gạo trên địa bà xã Tân Hòa. Tại đây, Hội CTĐ xã đặt một cái hũ. Trên hũ dán chữ “Hũ gạo tình thương” kèm theo lời kêu gọi người đi xay gạo, dân địa phương tùy lòng hảo tâm đóng góp một ít gạo.
Sau một thời gian triển khai, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, được người dân trong xã nhiệt tình hưởng ứng. Số gạo thu được từ Hũ gạo tình thương được Hội CTĐ xã mang đến hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.
Những gia đình nghèo, từ nhà khó khăn không ruộng nương đến hộ phải đi làm thuê, làm mướn mưu sinh được Hội xem xét, cấp sổ để được nhận trợ cấp gạo hàng tháng. Mỗi tháng một hộ sẽ được nhận 10 kg gạo. “Tuy giá trị hỗ trợ chưa được nhiều nhưng nhờ trao “kịp lúc”, “đến đúng người đang cần” đã mang lại niềm vui và sự khích lệ lớn đối với những hộ khó khăn này.”- ông Danh chia sẻ.
Với những thành công này, mô hình Hũ gạo tình thương tại xã Tân Hòa đã được lan tỏa ra 10/10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Hiện tại, hũ gạo tình thương không chỉ đặt tại các nhà máy xay gạo mà còn được đặt tại các ấp. Việc mở rộng điểm đặt hũ gạo tình thương này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người dân có điều kiện và tấm lòng thương người đóng góp gạo để cứu trợ khó khăn đột xuất và cấp hàng tháng cho các địa chỉ nhân đạo.
Hơn 15 năm đi vào hoạt động, đến nay toàn huyện đã xây dựng được 39 “Hũ gạo tình thương”, nhận được 9.570 kg gạo với giá trị hơn 95 triệu đồng. Số gạo này đã giúp cho 1.489 lượt người nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt vượt qua khó khăn.
Mô hình còn được nhân rộng ở các trường học với mong muốn tiếp sức cho học sinh nghèo có cơ hội được đến trường. Hiện toàn huyện có 14 hũ gạo tình thương đặt ở 10 trường. Bình quân mỗi hũ nhận từ 20 - 30 kg gạo/tháng. Những hũ gạo này được dùng cho việc hỗ trợ những học sinh nghèo vượt khó.
Từ khi có mô hình Hũ gạo tình thương, Hội CTĐ các cấp trong huyện luôn chủ động được nguồn gạo để cứu trợ khó khăn đột xuất (các trường hợp ma chay cho hộ nghèo, hộ khó khăn bị ảnh hưởng thiên tai, ốm đau, tai nạn bất ngờ…). Nhờ vậy, trên địa bàn huyện không có trường hợp bị thiếu cơm, đói khát. Mô hình đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 6,42%.
Có thể nói, “Hũ gạo tình thương” tuy có giá trị vật chất không lớn nhưng là mô hình có ý nghĩa nhân vân sâu sắc. Sự phát triển và lan tỏa của mô hình đã góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dành cho những người khó khăn, neo đơn, chung tay thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Tùng Chi