Gần 30 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở Thủ đô
26/08/2019 - 10:43

TĐKT - Trong khi nhiều người chọn cuộc sống an nhàn để thụ hưởng tuổi già và vui vầy bên con cháu thì bà Trương Thị Hội Tố– Chi hội trưởng Chi hội Tán trợ quận Thanh Xuân lại chọn cho mình công việc tư vấn, khám, chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Không lương, cũng không có chế độ đãi ngộ và thậm chí còn phải tự trích lương hưu để duy trì công việc thiện nguyện, nhưng với tình yêu thương con người, bà đã sống và làm việc theo đúng lời dạy của Bác: “Lương y như từ mẫu” suốt gần 30 năm nay.

 

Bác sĩ Trương Thị Hội Tố

Chúng tôi tìm đến phòng khám bệnh và tư vấn miễn phí nằm trên ngõ 119 đường Giáp Bát, quận Hoàng Mai vào buổi sáng sớm thứ hai đầu tuần. Dù đồng hồ mới điểm 7h45 nhưng căn phòng khám rộng chừng 20 m2 đã nhộn nhịp tiếng cười nói, hỏi han của các bác sĩ đầu tóc bạc phơ và những người bệnh đã cao tuổi.

Xịch xịch, chiếc xe máy chở một cụ già có mái tóc cũng đã bạc phơ dừng lại trước sân. Từ từ bước xuống, một tay bà chống gậy, 1 tay vịn vào vai cô hội viên Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát, lê bước đi nặng nề. Giấu nét mặt nhăn nhó do bị đôi chân đau hành hạ, bà bước vào phòng khám với những câu chào hỏi rôm rả và nở nụ cười hồn hậu, làm cho không khí căn phòng trở nên ấm và thân thiện với tất cả những người đang có mặt ở đây.

Ông Vũ Hồng Hưởng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát giới thiệu: Đó là bác sĩ Trương Thị Hội Tố, chủ nhân của phòng khám từ thiện này. Năm nay đã gần 90 tuổi rồi, nhưng gần 30 năm nay, thứ 2 tuần nào cũng vậy, không kể trời mưa rét hay gió nóng, bà đều thuê xe ôm từ nhà (quận Thanh Xuân) đến đây cùng với các “đồng nghiệp tóc trắng” khác khám bệnh và tư vấn miễn phí cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh huyết áp cao, tiểu đường, mỡ máu... đa phần già yếu và có hoàn cảnh khó khăn trong phường cũng như các khu vực lân cận.

Bác sĩ Trương Thị Hội Tố đang tư vấn cho bệnh nhân tại phòng khám

Bà Tố vốn là một người phụ nữ kiên cường và giàu lòng nhân hậu. Cuộc đời của bà sớm phải chịu nhiều mất mát, đau thương khi có 2 người chồng đều là liệt sĩ trong chiến tranh, một mình bà âm thầm chịu đựng khổ đau, vất vả nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành. Tuy vậy, bà luôn cố gắng phấn đấu, từng làm Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Nam Định rồi làm chuyên gia y tế nhiều năm ở Cộng hòa Ăng-gô-la.

Năm 1992, khi được Nhà nước cho nghỉ chế độ, bỏ qua mọi lời mời làm thêm từ các cơ sở y tế với mức lương hấp dẫn, bà dành thời gian tham gia xây dựng phong trào ở Hội Chữ thập đỏ quận Hai Bà Trưng.

Nhớ lời Bác Hồ dạy “Cán bộ, hội viên chữ thập đỏ phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”, bác sĩ Trương Thị Hội Tố đã dùng chuyên môn của mình thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa. Bà cùng với một số bác sĩ về hưu rủ nhau đạp xe hàng chục cây số đi khám, chữa bệnh lưu động miễn phí cho những người nghèo, người cao tuổi, cựu chiến binh, gia đình chính sách, gia đình neo đơn, quả phụ… Ban đầu là những hoàn cảnh trên địa bàn quận, sau dần mở rộng ra cả những quận, huyện khác.

Những lần đến gần với các bệnh nhân, bà cảm nhận rõ nỗi nhọc nhằn của những người khó khăn khi mắc phải bệnh tật, bà ước ao sẽ có một phòng khám từ thiện riêng với đầy đủ trang thiết bị, để là địa chỉ tin cậy cho các bệnh nhân nghèo tìm đến chữa bệnh.

Nghĩ rồi làm, bà Tố thuyết phục, vận động trước hết là những bác sĩ trong nhóm; sau đó là các cán bộ y tế, bác sĩ về hưu chung tay xây dựng phòng khám từ thiện. Gặp được y tá Lê Thị Sóc đang công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn tâm đầu ý hợp, họ đã cùng đứng ra xây dựng phòng khám.

Vừa ngồi phân loại từng túi thuốc khác nhau, bà Lê Thị Sóc vừa bồi hồi nhớ lại những buổi ban đầu khó khăn: Nói là xây dựng phòng khám nhưng để tìm được địa điểm quả thật không dễ dàng ở giữa Thủ đô tấc đất, tấc vàng. Phải trải qua 7 lần thay đổi địa điểm, lúc thì mượn nhà dân, lúc thì mượn trụ sở của phường Giáp  Bát, sau này, mới được Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát tạo điều kiện cho đặt phòng khám nhỏ tại chính trụ sở của Hội nên ổn định cho đến nay. Trong khi đó, đa phần các bác sĩ làm việc cho phòng khám là những người có kinh nghiệm, được nhiều nơi mời mọc với ưu đãi cao.  Nhưng nhờ sự động viên của bà Tố, họ đều tích cực làm việc thiện vì bà con nghèo.

 “Để có nguồn kinh phí duy trì hoạt động của phòng khám, chúng tôi đã tự đóng góp, kêu gọi con cháu trong gia đình ủng hộ và nhờ các tổ chức, đoàn thể, cá nhân có tấm lòng hảo tâm. Tôi và bà Tố hàng tháng vẫn phải trích từ lương hưu của mình để ủng hộ thêm tiền để bệnh nhân mua thuốc uống. Bây giờ, nhà bà Tố chuyển đến quận Thanh Xuân, ở xa phòng khám, nhưng mỗi tuần 2 lần, bất kể trời mưa gió, nắng nóng, bà Tố đều đến phòng khám đúng giờ” - Bà Lê Thị Sóc cho biết.

Còn bác sĩ Nguyễn Văn Đức vừa khám xong cho bệnh nhân thứ 5, ông tranh thủ uống ngụm nước chè rồi hào hứng chia sẻ: Được biết, phòng khám trước đây có nhiều bác sĩ kinh nghiệm làm việc nhưng vì tuổi cao, sức yếu, có người đã mất, có người phải nghỉ vì bệnh nặng, nên khi được bà Tố vận động, tôi cũng mong muốn đóng góp sức mình vào sự nghiệp chữa bệnh cho người nghèo. Tôi gắn bó với phòng khám mới được hơn 4 năm nay, nhưng tôi thấy thực sự ý nghĩa, đây không chỉ nơi lan tỏa tình yêu thương giữa người với người của những vị thầy thuốc chân chính mà còn giúp mình cải thiện và nâng cao trình độ chuyên môn sau khi về hưu.

Hiện nay, phòng khám có 3 người làm việc chính cùng 2 dược sĩ cao cấp luôn hỗ trợ kịp thời khi có yêu cầu từ các bác sĩ. Trung bình mỗi tháng, phòng khám từ thiện có tới 100 bệnh nhân.

Phòng khám không chỉ là địa chỉ khám, tư vấn bệnh cho nhiều người mà hơn thế nữa, đây còn là nơi tâm tình, bầu bạn cho những người già có cùng hoàn cảnh với nhau cần được tôn trọng, sẻ chia

Trải qua 27 năm làm công tác khám và tư vấn sức khỏe miễn phí, bà Tố cùng các đồng nghiệp của mình đã giúp đỡ không ít những trường hợp bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh éo le, không đủ điều kiện đi khám, chữa bệnh ở những bệnh viện lớn.

Bà Vũ Thị Bích Dần, một bệnh nhân thường xuyên tìm đến để tư vấn thuốc và khám bệnh nhiều năm tại đây cho biết: “Tôi luôn mong muốn phòng khám được duy trì và phát triển hơn nữa để những người già có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện được thăm khám bệnh thường xuyên. Phòng khám tuy có quy mô nhỏ nhưng chứa chan tình người. Nó không chỉ là địa chỉ khám, chữa bệnh cho nhiều người và hơn thế nữa, đây còn là nơi tâm tình, bầu bạn cho những người già có cùng hoàn cảnh với nhau cần được tôn trọng, sẻ chia”.

Được biết, bên cạnh việc khám bệnh cứu người, bà Tố còn tích cực vận động cán bộ, hội viên ủng hộ hỗ trợ bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương, hỗ trợ ủng hộ xây dựng cầu dân sinh vượt lũ “Cầu tràn Cốc Lụ” tại Hà Giang. Cùng với đó, bà cũng ủng hộ thuốc cấp miễn phí cho phòng khám nhân đạo Hội Chữ thập đỏ quận, ủng hộ quỹ nhân đạo; vận động người thân trong gia đình mỗi năm nhận nuôi dưỡng thường xuyên 3 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá 15 triệu đồng. Tổng trị giá hàng năm bà vận động ủng hộ nhân đạo trên 60 triệu đồng.

Hy vọng rằng, với tấm lòng thơm thảo của những lương y từ mẫu, bác sĩ Trương Thị Hội Tố và những “đồng nghiệp tóc trắng” sẽ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp chăm sóc người bệnh, tiếp tục góp những viên gạch hồng, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Mai Thảo