TĐKT - Ngày 19/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và đoàn công tác của trung ương đã tới thăm và làm việc tại Đại học Thái Nguyên.
GS. TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh
GS. TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết sau 25 năm xây dựng và phát triển, Đại học Thái Nguyên là Đại học Vùng, “là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, viên chức có 4.146 người, trong đó có 2.621 cán bộ, giảng viên, 154 giáo sư, phó giáo sư, 712 tiến sĩ, 2.181 thạc sĩ. Đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao ở tất cả các lĩnh vực: Nông lâm nghiệp, công nghiệp, y học, giáo dục, khoa học cơ bản, kinh tế. Một số trường đại học có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ cao (gần 50%) như Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Nông Lâm…
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi làm việc
Đại học Thái Nguyên đang đào tạo 282 ngành, trong đó 32 ngành tiến sĩ, 60 ngành thạc sĩ, 24 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa, 141 ngành đại học và 25 ngành cao đẳng. Các ngành đào tạo của Đại học Thái Nguyên bao trùm hầu hết các lĩnh vực (trừ lĩnh vực ngoại giao, an ninh - quốc phòng).
Từ khi thành lập đến nay, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã đào tạo gần 200.000 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học (13.618 thạc sĩ, 268 tiến sĩ, 2.560 bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ nội trú). Đặc biệt, số sinh viên hệ cử tuyển là 795 người, 440 lưu học sinh nước ngoài tốt nghiệp đại học và 146 tốt nghiệp thạc sĩ.
Hiện nay ĐHTN đang đào tạo trên 60.000 người (trong đó 40% là người dân tộc thiểu số), học viên sau đại học đạt gần 5.100 người, trong đó có 700 người nước ngoài của 12 nước đến học tập và nghiên cứu khoa học (có 176 lưu học sinh của nước CHDCND Lào). Một số lĩnh vực trọng tâm đào tạo chất lượng cao của ĐHTN: Nông – lâm – ngư nghiệp; y – dược; kỹ thuật; khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên; ngoại ngữ…
Về công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, đến nay, Đại học Thái Nguyên đã thực hiện 3.577 đề tài các cấp, trong đó có 54 đề tài độc lập cấp Nhà nước, 71 đề tài cấp Bộ trọng điểm, 341 đề tài cấp Bộ, ngành khác, 17 đề tài của quỹ Nafosted, 14 sản phẩm khoa học công nghệ được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ. Ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác toàn diện với 14 tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, chuyển giao kết quả nghiên cứu của 166 đề tài cho các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các chương trình như: Dược liệu, thủy sản, giáo dục STEM, y tế… mang lại hiệu quả kinh tế với tổng kinh phí thực hiện là gần 200 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hợp tác với tỉnh Thái Nguyên là 100 tỷ đồng.
ĐHTN giới thiệu đến Phó Chủ tịch nước sản phẩm công nghệ tiêu biểu
Mỗi năm ĐHTN có khoảng trên 1000 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, trong đó 445 bài báo danh mục ISI, SCOPUS. Đặc biệt số lượng bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI và Scopus tăng lên đáng kể, năm 2015 có 43 bài, năm 2017 có 133 bài, năm 2018 có 161 bài, 7 tháng đầu năm năm 2019 là trên 100 bài báo; 11 bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ được công nhận.
Hợp tác quốc tế về KHCN cũng được đẩy mạnh. Đại học đã thực hiện 21 dự án thuộc các lĩnh vực như đào tạo nguồn nhân lực, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nông lâm nghiệp… với tổng kinh phí trên 5 triệu USD. Đã ký 115 biên bản ghi nhớ và hợp tác với các đối tác như: Ủy ban châu Âu EU, Nhật Bản, Australia, Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc, Bỉ…
Bên cạnh đó, ĐHTN còn được nhiều bộ, ban, ngành trung ương giao nhiệm vụ tư vấn các chính sách, như: Ban Kinh tế Trung ương giao nhiệm vụ đánh giá và phản biện các chính sách trong 30 năm đổi mới 1986 – 2016; Ban Tuyên giáo Trung ương giao nhiệm vụ đánh giá các chính sách về kinh tế y tế giai đoạn 1986 – 2016; tham gia có hiệu quả vào hoàn thiện Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học; chủ trì xây dựng đề án Quy hoạch mạng lưới các trường đại học sư phạm của cả nước…
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Đại học Thái Nguyên
Cũng tại buổi làm việc, Giám đốc Đại học Thái Nguyên Phạm Hồng Quang đã nêu rõ những thuận lợi, thách thức đang gặp phải và kiến nghị với đoàn công tác 3 nội dung, bao gồm:
Một là, Đảng, Chính phủ cần xác định rõ vị trí và nhiệm vụ của Đại học Vùng đối với sự phát triển nguồn lực chất lượng cao cho đất nước với vị trí địa - chính trị quan trọng của ĐHTN, tỉnh Thái Nguyên – trung tâm vùng.
Hai là, Chính phủ đầu tư cơ sở vật chất và tài chính trong giai đoạn hiện nay đối với đại học Vùng để tăng sức mạnh cạnh tranh, tránh tản mạn khi hiện nay hầu hết mỗi tỉnh đều có trường đại học. Đại học Thái Nguyên có vị trí quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, nghị quyết 37/2014 của trung ương.
Ba là, phát triển vùng dân tộc thiểu số phải dựa vào sức mạnh của chính cộng đồng, cộng đồng cần phải dựa vào chất lượng con người, do đó giáo dục đại học vùng dân tộc thiểu số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế và văn hóa, an ninh quốc phòng. ĐHTN là đại học Vùng sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã chúc mừng và biểu dương những kết quả ĐHTN đã đạt được trong 25 năm qua. Chia sẻ với những thách thách thức và các kiến nghị của Đại học Thái Nguyên với trung ương, đồng chí động viên tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, vượt khó trong 25 năm qua để đạt được thành tích cao hơn nữa trong thời gian tới, trở thành một điển hình trong giáo dục đào tạo của nước nhà.
Phó Chủ tịch nước cũng lưu ý 3 nhiệm vụ trọng tâm Đại học Thái Nguyên cần lưu ý trong thời gian tới: Tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; phát huy tốt hơn nữa việc hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ đối với các tỉnh khu vực trung du miền núi Bắc Bộ và tỉnh Thái Nguyên; cần đặc biệt quan tâm bồi đắp bản lĩnh, trí tuệ và lý tưởng của sinh viên, vì đây là thế hệ trẻ, có trí thức, trong đó đặc biệt coi trọng đến đối tượng là sinh viên người dân tộc thiểu số.
Thanh Loan