Khai mạc Triển lãm quốc tế lần thứ 11 về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam
14/08/2019 - 12:55

TĐKT – Sáng 14/8, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Công ty TNHH Reed Tradex, Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) và Cục Xúc tiến Thương mại (Viettrade) tổ chức khai mạc Triển lãm quốc tế lần thứ 11 về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (VME 2019) và Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 8 (SIE 2019). Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải dự và phát biểu ý kiến.

Lễ khai mạc Triển lãm

Với quy mô 200 thương hiệu đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có nền công nghệ phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ…, hai triển lãm lớn được tổ chức đồng địa điểm sẽ nhân đôi cơ hội kinh doanh và thúc đẩy chỉ số nội địa hóa cho ngành công nghiệp chế tạo máy móc và phụ tùng công nghiệp cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Tại Lễ khai mạc, ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc Công ty Reed Tradex Việt Nam – đơn vị tổ chức triển lãm VME 2019 bày tỏ niềm tin tích cực vào tiềm năng của Việt Nam: Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng về các lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong khu vực Đông Nam Á. Với xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư cho các ngành sản xuất, lợi thế về nguồn nhân lực, địa chính trị, chính sách hỗ trợ ổn định của chính phủ, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang xây dựng nhà máy ở các khu công nghiệp Việt Nam, giúp mở rộng nguồn lực và gia tăng năng lực sản xuất để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng ở trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc triển lãm

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Trong những năm vừa qua, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Tại cuộc họp đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VII vào đầu năm nay, Việt Nam và Nhật bản đã nhất trí triển khai 3 nội dung nhằm phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, bao gồm hỗ trợ đầu tư thiết bị đồ gá, khuôn đúc, đào tạo nguồn nhân lực, lĩnh vực quản lý kinh doanh, thu hút đầu tư, xúc tiến phát triển thị trường nhằm tăng doanh số và giảm chi phí sản xuất.

Các đại biểu tham quan các gian hàng tại triển lãm

Trước bối cảnh thị trường cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, hai triển lãm này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Triển lãm tạo ra các cơ hội kết nối và thúc đẩy giao thương giữa các nhà cung cấp thiết bị, máy móc công nghệ với các nhà sản xuất để các bên có thể cùng nhau thảo luận về khả năng hợp tác, mở rộng mạng lưới kinh doanh. Triển lãm sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV tại Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh trong ngành công nghiệp hỗ trợ và sản xuất phụ tùng công nghiệp.

Đặc biệt, triển lãm VME năm nay có sự đồng hành từ Dự án Liên kết các DNNVV (LinkSME – USAID). Dự kiến LinkSME sẽ tổ chức các chương trình hỗ trợ DNNVV trong giai đoạn 2018 – 2023 với tổng ngân sách dự kiến là 22,1 triệu đô la. Dự án có mục tiêu chọn lựa và hỗ trợ phát triển năng lực cung ứng cho các nhà cung cấp là các DNNVV của Việt Nam, giúp họ có cơ hội cung ứng cho các công ty đa quốc gia.

Phương Thanh