TĐKT – Với phương châm “lấy bệnh nhân làm trung tâm, lấy hài lòng làm tiêu chuẩn”, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an đang dần khẳng định vị thế của một cơ sở y tế đáng tin cậy trong khám và điều trị bệnh cho nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an và nhân dân trên cả nước. Đặc biệt, mô hình kết hợp y học cổ truyền (YHCT) và y học hiện đại (YHHĐ) trong chăm sóc sức khỏe cho người bệnh đang được triển khai tại Bệnh viện ngày càng khẳng định tính phù hợp và hiệu quả thiết thực.
Nhằm chia sẻ những kết quả cũng như kinh nghiệm trong triển khai mô hình này, phóng viên Tạp chí Thi đua Khen thưởng đã có bài phỏng vấn Thiếu tướng, Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Bá Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an.
Thiếu tướng, Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Bá Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, những thành quả nổi bật của Bệnh viện trong công tác chăm sóc sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ trong thời gian qua?
Thiếu tướng Phạm Bá Tuyến trả lời:
Bệnh viện chính thức được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1996, có nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ CAND, sau 20 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, là bệnh viện hạng I với 400 giường điều trị nội trú và là một trong 5 bệnh viện đứng đầu của hệ thống bệnh viện y học cổ truyền trong toàn quốc.
Hiện nay, bệnh viện có nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật, phục vụ cho công tác khám, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân, kết hợp hài hòa giữa y học hiện đại (YHHĐ) và y học cổ truyền (YHCT) trong công tác khám và điều trị.
Bệnh viện đã kế thừa và phát triển các sản phẩm từ những bài thuốc cổ phương, những công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở được nghiệm thu, các đề tài đã ứng dụng vào thực tiễn sản xuất trên 50 sản phẩm thuốc được áp dụng vào điều trị và đạt hiệu quả cao như: Hoàn thanh não (Điều trị rối loạn chuyển hóa lipid và tăng huyết áp), hoàn vigab (Điều trị bệnh lý về gan), hoàn phong thấp, siro dưỡng âm bổ phế, siro viêm họng…
Chính vì thế, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện ngày càng tăng (năm 2010: 37.606 lượt; năm 2015: 130.869 lượt; năm 2018: 153.412 lượt), lượng thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện tăng dần theo từng năm (Năm 2010: 25.000 thẻ; năm 2018: 74.000 thẻ).
Phóng viên: Ngày 12/4/2017 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình YHCT kết hợp với YHHĐ trong khám bệnh, chữa bệnh và sản xuất thuốc. Bệnh viện đã có những hướng đi, cách làm cụ thể như thế nào để đáp ứng những kỳ vọng trên?
Thiếu tướng Phạm Bá Tuyến trả lời:
Bệnh viện đã và đang đẩy mạnh kết hợp YHCT và YHHĐ trong điều trị nhiều bệnh khó; đi sâu nghiên cứu, vận dụng những ưu điểm, thành tựu của hai nền y học trong các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và sản xuất thuốc.
Các y bác sĩ khoa Điều trị cao cấp, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an đang giao ban, điểm bệnh
Thứ nhất, nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo đội ngũ cán bộ y tế có trình độ đáp ứng nhu cầu thực tiễn khám, chữa bệnh kết hợp YHCT với YHHĐ, bệnh viện tập trung đào tạo chuyên môn chuyên sâu cả YHCT lẫn YHHĐ cho đội ngũ y, bác sĩ, để có thể kết hợp một cách khoa học, nhuần nhuyễn hai nền y học trong khám, chữa bệnh.
Bệnh viện có nhiều hình thức đào tạo linh hoạt: Tại chỗ, chuyên sâu, chuyên khoa tại các cơ sở y tế trong nước và quốc tế.
Hàng tuần có các buổi giao ban chuyên môn dành cho tất cả các bác sĩ trong bệnh viện, tại đó đưa ra các ca bệnh điển hình để cùng thảo luận, rút kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị. Đồng thời, lãnh đạo bệnh viện cũng phối hợp với lãnh đạo khoa, phòng đi điểm bệnh, hội chẩn các ca bệnh khó đang nằm điều trị tại các khoa phòng, để giúp các bác sĩ trau dồi kiến thức lâm sàng, nâng cao trình độ. Cùng với đó, mời các chuyên gia về các lĩnh vực, chuyên khoa đến hội chẩn và giảng dạy lâm sàng tại chỗ cho các bác sĩ.
Ngoài ra, bệnh viện mở các lớp chuyên sâu cho tất cả các bác sĩ trong bệnh viện về các chuyên khoa hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, xương khớp… nhằm phổ cập kiến thức cho từng bác sĩ. Mở các lớp đào tạo gửi các bác sĩ đi học ở các bệnh viện, cơ sở đào tạo y tế có uy tín như Học viện Quân y, Đại học Y Hà Nội, nhằm đào tạo, phổ cập kiến thức về YHCT và YHHĐ để bác sĩ nhuần nhuyễn trong chẩn đoán, điều trị xử lý các ca bệnh cấp cứu. Hàng năm, bệnh viện cũng cử các bác sĩ đi đào tạo sau đại học, các lớp chuyên khoa 1, 2, thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước. Ngoài ra, hàng năm bệnh viện cử 2 - 3 đoàn tham quan học hỏi kinh nghiệm ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Hiện tại toàn bệnh viện có hơn 100 bác sĩ trong đó có 20 bác sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa 2, hơn 40 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, là đội ngũ những người tâm huyết, đủ năng lực phẩm chất và chuyên môn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn khám, chữa bệnh kết hợp YHCT với YHHĐ.
Thứ hai, bệnh viện tập trung cải cách hành chính, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Việc đổi mới nâng cao tinh thần thái độ, kỹ năng giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế, phong cách phục vụ chăm sóc người bệnh luôn được lãnh đạo bệnh viện quan tâm do đó chất lượng phục vụ của bệnh viện ngày càng được nâng cao, uy tín của bệnh viện ngày càng được khẳng định trong lực lượng y tế CAND nói riêng cũng như các bệnh viện trong ngành y tế nói chung.
Để bắt kịp xu thế phát triển chung của xã hội cũng như của ngành y tế, bệnh viện tổ chức các tổ công tác xã hội, tổ tư vấn tiếp đón hướng dẫn người bệnh, tổ quản lý chất lượng bệnh viện, tổ công nghệ thông tin… phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Thứ ba, bệnh viện dần chủ động hơn trong cung cấp nguồn dược liệu cho công tác khám và điều trị bệnh. Ngoài việc hợp tác với các đơn vị uy tín trong cung cấp nguồn dược liệu đảm bảo chất lượng, trong những năm qua, bệnh viện đã tiến hành dự án nuôi trồng cây con thuốc tại các cơ sở giam giữ, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Phóng viên: Thưa ông, định hướng phát triển trong thời gian tới của bệnh viện là gì?
Thiếu tướng Phạm Bá Tuyến trả lời:
Thời gian tới, bệnh viện phấn đấu trở thành Bệnh viện đa khoa Y dược cổ truyền hạng đặc biệt, với 26 khoa phòng và 600 giường bệnh; phát triển các đơn vị, các trung tâm theo định hướng chuyên khoa sâu; kết hợp nhuần nhuyễn giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong công tác khám, chữa bệnh nhằm đáp ứng với yêu cầu của nhiệm vụ mới. Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ đầu tư trang thiết bị, xây dựng khu sản xuất thuốc thành phần y học cổ truyền hiện đại để nâng cao chất lượng thuốc, đáp ứng cung cấp cho nhu cầu điều trị tại bệnh viện và hướng tới cung cấp ra ngoài thị trường.
Thiếu tướng Phạm Bá Tuyến cùng các lãnh đạo khoa phòng đang hội chẩn một ca bệnh khó
Vì vậy, bên cạnh tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn về YHCT và YHHĐ; khơi dậy tâm đức của đội ngũ y, bác sĩ mặc sắc phục công an; tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của cán bộ, chiến sĩ và người bệnh…, trong thời gian tới, bệnh viện định hướng phối hợp với các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đẩy mạnh hợp tác, liên doanh liên kết, xã hội hóa y tế, nhằm phát huy nguồn lực và thế mạnh của bệnh viện cũng như của các nhà khoa học để đáp ứng công tác chăm sóc, khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Mai Thảo (thực hiện)