TĐKT - Đến với y học cổ truyền như bước trên con đường đầy hoa hồng lắm chông gai, nhưng Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Khoa Điều trị Cao cấp, Bệnh biện Y học cổ truyền Bộ Công an luôn nỗ lực để trở thành người bác sĩ giỏi về chuyên môn, tận tụy với công việc và hết lòng với sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”.
Gian nan đường đến với y học cổ truyền
Tốt nghiệp chuyên ngành Đa khoa, Đại học Y Hà Nội năm 1993 - đúng vào thời điểm khó khăn để tìm việc, trong khi nhiều bạn bè rẽ ngang sang làm trái ngành thì cô gái trẻ Nguyễn Thị Huệ vẫn quyết tâm lập nghiệp tại Thủ đô và kiên trì theo đuổi đam mê của mình.
Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Khoa Điều trị Cao cấp, Bệnh biện Y học cổ truyền Bộ Công an
Sau 2 năm lăn lộn theo các dự án lớn nhỏ về y tế để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, năm 1996, được biết Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an tuyển dụng, cô quyết định nộp hồ sơ vào thử sức. Để vượt qua các thử thách của “nhà tuyển dụng”, cô phải chuyển sang học định hướng y học cổ truyền, rồi định hướng sản phụ khoa chuyên sâu, sau này là định hướng tim mạch và rối loạn chuyển hóa. Dù tất cả đều là những lĩnh vực rất mới, nhưng với quyết tâm, không ngại khó, ngại khổ và với vốn kiến thức y học đa khoa cơ bản sẵn có nên khi tiếp cận với nền đông y, bác sĩ Nguyễn Thị Huệ khá thuận lợi và nhanh chóng trưởng thành. Đặc biệt, tình yêu và sự đam mê, tin tưởng vào việc chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền cứ lớn dần lên trong chị.
Năm 1997, bác sĩ Huệ trở thành bác sĩ tại Khoa Ngoại, được ban giám đốc tin tưởng, giao phụ trách mảng bệnh lý phụ khoa. Bằng tài năng và đạo đức nghề nghiệp, chị dần tạo dựng uy tín của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Với suy nghĩ nghiên cứu khoa học sẽ là đôi cánh giúp các bác sĩ bay cao, bay xa hơn trong quá trình chữa trị bệnh cho bệnh nhân, bên cạnh việc chữa trị, chị rất chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn và sáng tạo ra nhiều phương pháp chữa bệnh hiệu quả.
Năm 2000, chị đã nghiên cứu thành công viên Quế chi phục linh hoàn, giúp nhiều bệnh nhân bị u xơ tử cung thoát bệnh. Quế chi phục linh hoàn trở thành sản phẩm điều trị đặc hiệu của riêng bệnh viện từ đó đến nay.
Đặc biệt, để tiếp cận với nền đông y tiên tiến hàng đầu thế giới, năm 2005, vượt qua những khó khăn về rào cản ngôn ngữ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, con nhỏ, chị đến đất nước Trung Quốc để tu dưỡng, nâng cao trình độ về lĩnh vực tim mạch và rối loạn chuyển hóa.
“Nơi đất khách quê người, mọi thứ đều rất mới và lạ lẫm. Càng nhớ nhà, nhớ con, tôi càng quyết tâm tranh thủ thời gian, tận dụng từng điều kiện, cơ hội để nhanh chóng thích nghi, học hỏi được nhiều nhất có thể. Cứ thế, tôi đắm mình với những phương pháp chữa bệnh đông y của nước bạn và tham gia rất nhiều đề tài nghiên cứu quốc tế. Càng ngày tôi càng nhận thấy vai trò cũng như sự kỳ diệu của phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền.” – Chị Huệ nhớ lại.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huệ đang thăm hỏi, động viên bệnh nhân
Năm 2012, trở về nước với 2 tấm bằng thạc sĩ và tiến sĩ trong tay, chị tự tin nhận mọi nhiệm vụ, trọng trách mà ban giám đốc bệnh viện giao phó.
Nhớ lại ca bệnh đầu tiên chị tiếp nhận khi mới trở về, chị Huệ chia sẻ: Đó là một cán bộ bị thoát vị đĩa đệm và cao huyết áp, dù đã điều trị bằng nhiều phương pháp cả y học cổ truyền và y học hiện đại nhưng bệnh không thuyên giảm. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất đau đớn, đứng, ngồi hay nằm đều không có tư thế nào giảm đau, khiến chị vô cùng trăn trở. Chị mạnh dạn vận dụng phương pháp phúc châm đã được học ở nước bạn, kết hợp dùng thuốc đông y, sau 15 ngày, bệnh nhân hoàn toàn giảm đau, xuống giường vận động được không cần trợ giúp. Ca bệnh thành công một lần nữa củng cố thêm niềm tin, sức mạnh và nhiệt huyết của chị với con đường đang đi; đồng thời mở ra một phương pháp điều trị mới, hiệu quả bằng phương pháp y học cổ truyền tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an từ đó cho đến nay – phương pháp “Phúc châm hỗi trợ giảm đau thoát vị đĩa đệm”.
Với nhiều người bệnh, bác sĩ Nguyễn Thị Huệ như một vị cứu tinh, một chuyên gia đầu ngành về chữa bệnh bằng phương pháp phúc châm. Còn với nhiều đồng nghiệp, chị thực sự là tấm gương sáng về nghị lực phấn đấu học tập và nghiên cứu, có trình độ chuyên môn cao và tâm huyết với nghề. Chị là chủ nhiệm của nhiều đề tài khoa học có giá trị, nhiều phương pháp chữa bệnh hiệu quả: “Chôn chỉ để làm giảm mỡ máu”, “điều trị mất ngủ bằng phương pháp nhĩ châm” và hiện tại chị đang ấp ủ đề tài cấp bộ “Đánh giá tác dụng giảm đau cơn gút cấp bằng chỉ thống cao”.
Đồng thời, chị là giảng viên thỉnh giảng về y học cổ truyền của 3 trường đại học trên địa bàn Hà Nội, hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ cho nhiều thế hệ sinh viên.
Cánh chim đầu đàn của khoa cao cấp
Từ năm 2014, khi Khoa Điều trị Cao cấp, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an mới được thành lập một thời gian, chị được bổ nhiệm làm lãnh đạo khoa. Nhận thấy đó niềm vinh dự song cũng là trách nhiệm nặng nề đối với chị trong việc đưa khoa trở thành địa chỉ đỏ đáng tin cậy cho bệnh nhân đến khám và điều trị. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu đảm nhận trọng trách của người thủ lĩnh, chị đã có nhiều phương pháp sáng tạo, quyết liệt trong đào tạo đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng trở thành những người thầy thuốc vừa hồng, vừa chuyên.
Chị thường nhắc nhở cán bộ của mình rằng: Mỗi bệnh nhân đến với mình, đồng nghĩa họ đang trao cả mạng sống, cả tương lai cho mình. Vì vậy hãy đặt người bệnh lên trên hết. Hãy sống cùng cơn đau, “thấm” từng niềm vui, nước mắt của người bệnh khi đó chúng ta mới có thể thực sự sống cùng nghề y cao quý.
Đặc biệt, đối tượng bệnh nhân của khoa là các đồng chí lãnh đạo cấp cao của đảng, nhà nước và của ngành công an vì vậy, công tác chăm sóc, phục hồi, nâng cao sức khỏe và điều trị cho người bệnh luôn đòi hỏi không để xảy ra sai sót.
Để giúp cho trình độ chuyên môn của đội y, bác sĩ khoa cao cấp ngày một vững vàng, có thể xử lý được những ca bệnh khó, giúp bệnh nhân yên tâm chữa trị, vào các buổi sáng, chị thường xuyên tiến hành giao ban toàn khoa, truy các bài thuốc cổ phương hay được ứng dụng trong điều trị bệnh nhân, hoặc cập nhật về kiến thức mới của các hội thảo trong nước, quốc tế mà chị được tham gia hoặc phân tích một bài thuốc mà bác sĩ trong khoa vận dụng điều trị cho bệnh nhân. Thi thoảng, chị tiến hành kiểm tra đột xuất các phác đồ điều trị và phương pháp điều trị của từng bác sĩ thông qua những bệnh nhân cụ thể.
Ngoài ra, việc rèn luyện thái độ phục vụ người bệnh như: Thăm khám bệnh nhân thường xuyên theo quy định, gõ cửa phòng bệnh trước khi bước vào, chào hỏi và động viên bệnh nhân luôn được chị quan tâm nhắc nhở, rèn giũa.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huệ thường xuyên chủ trì buổi giao ban toàn khoa và truy các bài thuốc cổ phương hay được ứng dụng trong điều trị bệnh nhân
Đặc biệt, để tạo nên sự đoàn kết, thống nhất cao trong đội ngũ tập thể y, bác sĩ, chị đã tiến hành đánh giá, phân loại nhân viên, kịp thời động viên, khen thưởng khi có thành tích và ngược lại, nếu mắc lỗi sẽ bị xử lý theo đúng quy định.
Chính vì vậy, chi bộ Đảng Khoa Điều trị Cao cấp do chị phụ trách luôn đạt được sự đồng thuận cao trong việc bầu chọn các danh hiệu thi đua và đề xuất các chỉ tiêu đi học để nâng cao trình độ, nâng lương, thăng cấp hàm cho cán bộ, công nhân viên.
Hiện nay, dưới sự dẫn dắt của chị, khoa Điều trị cao cấp trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an về chất lượng về chăm sóc và điều trị bệnh.
Thiếu tướng Phạm Bá Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an nhận xét: “Bác sĩ Huệ là người luôn tận tụy với sự nghiệp cứu người, có tinh thần trách nhiệm cao với mỗi nhiệm vụ được giao và luôn say mê nghiên cứu khoa học. Những đóng góp của chị trong thời gian qua là niềm tự hào của Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an nói riêng và nền y học cổ truyền Việt Nam nói chung, xứng đáng trở thành tấm gương bác sĩ tiêu biểu hết lòng vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân”.
Từ những đóng góp trong thời gian qua đối với ngành y học cổ truyền, chị đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 5 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đây là phần thưởng xứng đáng để chị sẽ có thêm nhiều cố gắng và nỗ lực hơn nữa để tiếp tục có những cống hiến cho nền y học nước nhà trong thời gian tới.
Mai Thảo