TĐKT - Hơn 2 thập kỷ gắn bó với công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân, với Thượng tá Đàm Minh Phong, Giám thị trại giam Thanh Cẩm (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an), đây là một nghề đặc biệt, tuy phải chịu nhiều gian nan, vất vả, thậm chí phải chấp nhận hy sinh hạnh phúc của bản thân, nhưng nó mang lại cho anh nhiều xúc cảm. Mỗi một cuộc đời lầm lỡ được đánh thức, hồi sinh chính là động lực để anh tiếp tục tâm huyết với công việc của mình.
Sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ
Chủ động hẹn gặp Thượng tá Đàm Minh Phong qua điện thoại, trái lại với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi về một giám thị nghiêm khắc là giọng nói trầm ấm của một người đàn ông đã đứng tuổi nhưng luôn cởi mở. Anh vui vẻ đồng ý và nhanh chóng sắp xếp một lịch hẹn cụ thể. Gặp chúng tôi, Thượng tá Phong gần gũi như người thân đã lâu chưa có dịp gặp lại, anh ôn tồn kể chuyện, đôi mắt xa xăm hồi tưởng về chặng đường công tác lắm gian truân nhưng vô cùng ý nghĩa của mình.
Thượng tá Đàm Minh Phong, Giám thị Trại giam Thanh Cẩm
Anh cho biết, từ thuở nhỏ đã luôn mơ ước được khoác trên mình bộ sắc phục màu xanh hi vọng nên dù thi đỗ vào Học viện Tài chính nhưng cậu học trò xứ Nghệ ấy đã từ chối cơ hội đến với giảng đường đại học và đăng ký đi lính nghĩa vụ công an.
Trải qua một thời gian dài huấn luyện gian khổ tại các trại giam Phú Sơn 4 và trại giam Thanh Phong, năm 1998, anh được biên chế vào ngành, chính thức trở thành chiến sĩ Công an nhân dân, được phân về công tác tại trại giam Thanh Phong.
Hơn 20 tuổi, bắt đầu tham gia công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân với nhiệm vụ chính được giao là tuần tra, canh gác, dẫn giải phạm nhân. Trong điều kiện môi trường trại giam nhiều khắc nghiệt, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, chàng chiến sĩ trẻ tuổi đã gặp phải không ít khó khăn mà trước đó không thể lường trước được. Nhưng với lòng yêu nghề cùng tinh thần ham học hỏi, người lính ấy đã vượt qua tất cả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Vừa làm, vừa học tập nâng cao trình độ nên từ một chiến sĩ bảo vệ mục tiêu, anh tiếp tục được lãnh đạo tin tưởng giao phụ trách nhiều nhiệm vụ quan trọng khác như: Cán bộ quản giáo, trực trại, trinh sát, giáo dục phạm nhân, cán bộ tham mưu rồi Phó Giám thị. Ở bất kỳ vị trí công tác nào, anh luôn gương mẫu, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, năm 2013, với vai trò là Phó Giám thị trại giam Thanh Phong, anh được giao phụ trách trạm giam số 5. Đơn vị mới được xây dựng, đóng quân trên địa bàn có địa hình vô cùng hiểm trở, lại phức tạp về tôn giáo nên tình hình an ninh, chính trị luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định.
Bằng sự nỗ lực không biết mệt mỏi của bản thân cùng sự lãnh đạo kịp thời, chính xác của cấp trên, anh cùng cán bộ, chiến sĩ không chỉ bảo vệ thành công phân trại mà còn xây dựng nên mối quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc tại địa phương, tạo được tình cảm tốt đẹp, gắn bó quân dân ngày càng thắm thiết, tạo nên thế trận lòng dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn nơi đơn vị đóng quân.
Năm 2014, trước diễn biến phức tạp của tình hình điện thoại và ma túy được đưa vào trại giam ngày một nhiều, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự trong trại, đồng chí Đàm Minh Phong tiếp tục được cấp trên tin tưởng giao phụ trách phân trại số 2. Tại đây, anh cùng các đồng nghiệp đã tổ chức triệt phá được 3 vụ án vận chuyển ma túy từ bên ngoài vào cung cấp cho các phạm nhân đang chấp hành án cùng rất nhiều vụ đưa đồ vật cấm vào trong trại với các hình thức hết sức tinh vi và thủ đoạn.
Sáng tạo và gương mẫu trong chỉ đạo, điều hành
Với nhiều thành tích và kinh nghiệm công tác, năm 2017, Thượng tá Đàm Minh Phong vinh dự được cấp trên tin tưởng, bổ nhiệm giữ chức vụ Giám thị Trại giam Thanh Cẩm.
Với gần 300 cán bộ, chiến sĩ, quản lý hơn 2000 phạm nhân, trong đó 2/3 là đối tượng phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và tái phạm nguy hiểm, có nhiều tiền án, tiền sự, lại mắc nhiều bệnh nặng, truyền nhiễm… Đặc biệt, hiện nay trong trại ngày càng tiếp nhận thêm nhiều phạm nhân có dấu hiệu bị rối loạn hành vi như hoang tưởng, ảo giác… Đó là thách thức không nhỏ đối với những người làm công tác quản lý, giáo dục cải tạo ở Trại giam Thanh Cẩm.
Là Bí thư Đảng bộ cơ sở, người đứng đầu đơn vị trại giam, anh luôn thực hiện tốt vai trò đầu tầu, gương mẫu, phát huy trách nhiệm, nêu gương, là hạt nhân trong xây dựng khối đoàn kết, thống nhất toàn đơn vị; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của trại giam.
Thượng tá Đàm Minh Phong biểu dương cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu trong công tác năm 2018
Anh cùng với tập thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đề ra và thực hiện nhiều kế hoạch, biện pháp, Nghị quyết sáng tạo, đúng đắn, phù hợp. Duy trì thực hiện sâu rộng các phong trào thi đua trong toàn đơn vị, nhất là các phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phong trào "Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" gắn với phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc", khơi dậy tinh thần đoàn kết, hăng say lao động, sáng tạo và tâm huyết với nghề trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ.
Cùng với đó, anh quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chế độ, các chính sách đối với phạm nhân, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước; tổ chức phát động các đợt thi đua trong phạm nhân toàn trại gắn với phong trào thi đua chấp hành án phạt tù, thi đua chấp hành nghiêm Nội quy trại giam. Tổ chức tốt cuộc thi viết với chủ đề “Biết ơn người thầy”, “Viết cảm nhận về sách”, tổ chức “Ngày hội đọc sách cho phạm nhân”, hội thi báo tường, hội thi “Tiếng hát tình đời phạm nhân”. Tổ chức tốt mô hình “5 không” – “Không có phạm nhân vi phạm nội quy trại giam liên quan đến ma túy; liên quan tới điện thoại di động; phạm nhân phạm tội mới; phạm nhân chết không rõ nguyên nhân; phạm nhân trốn trại”… góp phần làm chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân của trại giam. Tính đến hết tháng 3/2019, phạm nhân xếp loại cải tạo khá tốt cao, giảm tỷ lệ phạm nhân xếp loại cải tạo trung bình, kém chỉ còn dưới 1,8%.
Đặc biệt, nhiều phạm nhân nhắc đến anh với sự trân trọng và cảm phục. Nhờ sự quan tâm, truyền cảm hứng của đồng chí giám thị ấy, nhiều phạm nhân thường xuyên vi phạm, cộm cán đã quay đầu tìm về nẻo thiện.
Phạm nhân Vũ Tiến Hùng (tức Hùng Bưởi) là đối tượng có 8 tiền án, bị phạt 20 năm tù giam. Tuy nhiên, trong quá trình cải tạo, dù được cán bộ, chiến sĩ quan tâm giáo dục nhưng phạm nhân luôn có tư tưởng trốn trại quyết liệt, có hành vi chống phá, với 35 lượt vi phạm nội quy trại giam nên 19 năm qua luôn phải ở buồng giam giữ riêng.
Khi về công tác tại Trại giam Thanh Cẩm, Thượng tá Đàm Minh Phong đã rất trăn trở về điều này. Dù hàng ngày bộn bề với công việc nhưng anh vẫn dành thời gian đến gặp gỡ, tiếp cận đối tượng. Sau nhiều lần được đích thân đồng chí giám thị trực tiếp chia sẻ, động viên chân thành, phạm nhân Hùng đã có nhiều chuyển biến tích cực trong tư tưởng. Trên cơ sở nắm chắc tình hình phạm nhân, giám thị Phong đã chủ động lập kế hoạch đưa phạm nhân Hùng từ buồng giam giữ riêng xuống buồng giam giữ chung để quản lý theo quy định; đồng thời tiếp tục theo dõi, tác động giáo dục. Đến nay, phạm nhân đã cải tạo tiến bộ, tích cực thi đua chấp hành nội quy trại giam.
Gặp chúng tôi, phạm nhân Vũ Tiến Hùng với vẻ ngại ngùng nói những lời sám hối: Tôi rất hối hận về những việc làm của mình. Gần 20 năm trong trại, tôi chứng kiến có những cán bộ, chiến sĩ ở đây từ lúc mái tóc còn xanh giờ đã nhiều sợi điểm bạc. Họ đã hết lòng hướng dẫn hướng thiện nhưng tôi đã phủ nhận tất cả. Nếu tôi nhận ra điều đó sớm hơn thì đường về nhà của tôi có lẽ đã ngắn đi rất nhiều.
Chứng kiến anh ngày qua ngày phải trải qua môi trường trại giam phức tạp, quanh năm tiếp xúc với những đối tượng cộm cán, mặt trái của xã hội, có người hỏi liệu có khi nào anh cảm thấy quá áp lực, mệt mỏi, chán nản với công việc của mình… Chia sẻ với chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu và chất giọng điềm đạm, Thượng tá Đàm Minh Phong bảo rằng: Ai cũng vậy, nếu đã lựa chọn nghề cảnh sát trại giam là chọn cho mình một con đường đi không ít chông gai. Song, tôi chưa bao giờ ân hận vì sự lựa chọn của mình mà ngày càng cảm nhận rõ ràng hơn niềm vinh dự, tự hào của những “người thầy đặc biệt”. Mỗi một cuộc đời lầm lỡ được đánh thức, hồi sinh là động lực để chúng tôi tiếp tục công việc đầy khó khăn, vất vả nơi đất trại.
Mai Thảo