Nâng tầm thương hiệu na Chi Lăng: Nhà nước và nhân dân cùng làm
10/08/2019 - 15:14

TĐKT - Là một loại nông sản vùng cao được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, na Chi Lăng đang dần được biết đến là một thương hiệu Việt an toàn về chất lượng và minh bạch về nguồn gốc, đem lại sự tăng trưởng kinh tế cao cho huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Tuy nhiên, để thương hiệu na Chi Lăng phát triển bền vững, cần có sự chung tay của cả chính quyền và nhân dân nơi đây.

Phóng viên Tạp chí Thi đua Khen thưởng đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Đinh Hữu Học – Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng về vấn đề này.

Ông Đinh Hữu Học – Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng

Phóng viên:  Ngày hội na Chi Lăng lần thứ 3 năm 2019 diễn ra vào ngày 11/8, ông cho biết Ngày hội năm nay có điểm gì khác so với những năm trước?

Ông Đinh Hữu Học:

Sau 2 năm được tỉnh Lạng Sơn quan tâm tổ chức, Ngày hội na Chi Lăng lần thứ 3 năm 2019 do UBND huyện Chi Lăng đăng cai tổ chức với sự chung tay của đông đảo người dân trồng na trên địa bàn huyện. Mỗi gia đình trồng na trên địa bàn huyện tham gia đóng góp 5 kg na để trưng bày tại ngày hội. Đây là một hành động tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, nhằm giúp người dân thấy được ý nghĩa thực sự của ngày hội; đồng thời thấy được trách nhiệm cũng như phát huy tính chủ động của mình trong bảo vệ và nâng tầm thương hiệu na Chi Lăng.

Người trồng na ở Chi Lăng rất phấn khởi và mong chờ đến Ngày hội

Ngày hội na Chi Lăng lần thứ 3 có chủ đề “Na Chi Lăng – Nâng tầm thương hiệu, phát triển bền vững” có kịch bản hoàn toàn mới so với các năm trước. Chương trình được tổ chức với mục đích trước tiên là tôn vinh những nhà nông trồng na tiêu biểu, hợp tác xã, doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong tiêu thụ sản phẩm na và các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp an toàn.  Ngày hội đồng thời là dịp nâng cao uy tín, giữ vững thương hiệu sản phẩm na Chi Lăng và các sản phẩm nông nghiệp đã được cấp nhãn hiệu an toàn, sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, tạo ra sức lan tỏa rộng khắp trong nhận thức của người nông dân sản xuất nông nghiệp.

Có nhiều hoạt động diễn ra trong dịp này như: Tổ chức thi các vườn mẫu về phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện Chi Lăng; quảng bá sản phẩm Na Chi Lăng và các nông sản đặc sản, sản phẩm du lịch của huyện Chi Lăng; Hội thi “Nhà nông đua tài năm 2019” gắn với chấm điểm các gian trưng bày đẹp; Lễ khai mạc và Lễ công bố nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: Ngựa bạch Hữu Kiên và rau Bò khai; tổng kết, đánh giá hiệu quả, giá trị của sản phẩm na và các sản phẩm nông nghiệp khác năm 2019.

Phóng viên: Được biết, hiện nay sản phẩm Na Chi Lăng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap an toàn đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, xin ông chia sẻ rõ hơn về điều này?

Nhận thấy xu hướng sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, theo chuẩn VietGap và Globalgap là tất yếu, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, thời gian qua, huyện đã áp dụng các tiêu chuẩn này trong việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp địa phương, trong đó có sản phẩm na Chi Lăng.

Ngay từ đầu năm 2019, huyện đã tổ chức phát động, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện phong trào thi đua sản xuất na và các nông sản đặc sản theo hướng sản xuất an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Người trồng na cho biết nhận được nhiều hỗ trợ về kiến thức sản xuất na an toàn từ chính quyền địa phương

Do đó, đến nay, ý thức và tập quán sản xuất cây hoa quả, đặc biệt là na của bà con nông dân đã có nhiều thay đổi tích cực, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân đã sử dụng nhiều biện pháp sản xuất an toàn như: Sử dụng phân hữu cơ trong chăm bón cây, tiến hành bọc quả trong quá trình sinh trưởng để tránh bị ruồi vàng phá hoại, ưu tiên sản xuất lấy chất lượng làm đầu.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Chi Lăng trồng khoảng gần 1600 ha na, trong đó có gần 200 ha na được trồng theo tiêu chuẩn VietGap và chuẩn Globalgap. Sản lượng na ước đạt 16.000 tấn/năm, cho giá trị kinh tế đạt khoảng 600 tỷ đồng.

Ngoài ra, để nâng cao tính trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ, nâng tầm thương hiệu na Chi Lăng chúng tôi đã triển khai các hoạt động đến từng người dân, từng hộ sản xuất. Năm 2019, huyện hỗ trợ 100% bao bì sản phẩm na, yêu cầu các hộ trồng na phải có trách nhiệm quản lý bao bì phát ra. Nếu không phải na sạch, theo tiêu chuẩn Vietgap hay Globalgap thì không được sử dụng bao bì đó. Nếu phát hiện có sự trà trộn na theo chuẩn và không theo chuẩn, cả chính quyền và người dân nơi đó phải là người chịu trách nhiệm.

Để thay đổi những tập quán sản xuất cũ của người dân là điều không hề dễ dàng. Bà con nông dân huyện Chi Lăng đã có những thay đổi tích cực trong sản xuất, canh tác tích cực. Xin ông chia sẻ kinh nghiệm trong công tác vận động nhân dân trong thay đổi cách nghĩ, cách làm?

Huyện Chi Lăng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với những tập quán làm ăn, sinh sống cũ, rất khó để thay đổi suy nghĩ của họ. Với quyết tâm đưa Na Chi Lăng trở thành thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện, chúng tôi xác định tuyên tuyền là việc làm quan trọng đầu tiên. Vì vậy đã tích cực tuyên truyền với người dân bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của những người đứng đầu, có uy tín trong nhân dân.

Xuất hiện nhiều điểm sáng trong phong trào thi đua giữ gìn và phát triển thương hiệu na Chi Lăng

Trước hết, huyện đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 27 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; qua đó đã loại được nhiều cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm với công việc. Đồng thời, đào tạo nên một thế hệ cán bộ giỏi về chuyên môn, cần mẫn và hết lòng với nhiệm vụ được giao. Họ chính là những người luôn trăn trở và có nhiều hoạt động sát sao, cùng nhân dân thực hiện nhiều biện pháp để phát triển giá trị cây na.

Trưởng thôn, trưởng ban công tác mặn trận thôn và bí thư chi bộ sẽ là lực lượng chủ chốt, đến từng hộ sản xuất tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng màu, lương thực kém hiệu quả sang trồng na và cây ăn quả; giúp nông dân tiếp cận với các nguồn vay vốn của hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh… để đầu tư trồng các loại hoa quả mới, giá trị; tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định và đảm bảo để người dân yên tâm sản xuất…

Nội dung trong các cuộc họp chi bộ, các cuộc họp thôn, các hội hè… việc tuyên truyền vận động nhân dân trồng na cũng như các sản phẩm nông nghiệp theo hướng an toàn được nêu ra cụ thể. Nêu gương, biểu dương các gia đình tuân thủ canh tác theo phương pháp an toàn; đồng thời thẳng thắn nêu tên phê bình những hộ gia đình, đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện…

Cùng với đó, chúng tôi cũng tiến hành vận động thanh niên ở lại xây dựng quê hương trên chính mảnh đất của mình, tận dụng những lợi thế sẵn có của điều kiện tự nhiên để phát triển hơn nữa giá trị kinh tế mà na Chi Lăng đã đem lại.

Chính sự vào cuộc tích cực và quyết liệt của chúng tôi đã tạo một phong trào thi đua sản xuất na an toàn, chất lượng rộng khắp trong huyện. Một số xã có sản lượng na tiêu thụ lớn với chất lượng và giá thành được đảm bảo như: Chi Lăng, Quang Lang, Y Tịch... đã trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua giữ gìn và phát triển thương hiệu na Chi Lăng trong thời gian qua.

Chúng tôi nghĩ rằng, xây dựng được thương hiệu đã khó nhưng giữ được thương hiệu của sản phẩm còn khó hơn. Điều đó chỉ thành công khi cả nhà nước và nhân dân cùng chung tay tham gia bảo vệ.

Mai Thảo - Ngọc Huyền