Xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 – 2025
06/08/2019 - 09:33

TĐKT - Thủ tướng Chính phủ nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan Đầu tư cùng cấp, cơ quan có liên quan thực hiện đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 và lập kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, trong đó tập trung vào tình hình thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước; kết quả thực hiện các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020; đánh giá, nhìn nhận những hạn chế, khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch; các nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm.

Về tình hình thực hiện tài chính 5 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2016 – 2020 cần phải phân tích, đánh giá việc ban hành các chế độ, chính sách về thu, chi theo thẩm quyền; số thu và số chi đối với các chế độ, chính sách này trong từng năm và 5 năm 2016 - 2020.

Thủ tướng yêu cầu đánh giá các kết quả chủ yếu về tài chính - ngân sách Nhà nước: Tổng số thu và cơ cấu thu ngân sách trên địa bàn từng năm và 5 năm; phần thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, trong đó chi tiết thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế; các yếu tố tác động đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và các giải pháp về chính sách và quản lý thu đã triển khai nhằm huy động nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, đề nghị địa phương đánh giá cụ thể tình hình thực hiện cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của địa phương giai đoạn 2016 - 2020… Các tỉnh thành cũng cần nhìn nhận những hạn chế, khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính, ngân sách, nợ công.

Theo nội dung Chỉ thị 17, việc xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 phải dự báo được tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước trong 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.

Xây dựng mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước gồm: Thu và cơ cấu thu ngân sách, chi và cơ cấu chi ngân sách; bội chi ngân sách nhà nước; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia; huy động vốn vay trong và ngoài nước; huy động và phân phối các nguồn lực trong 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.

Xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 phải xác định khung cân đối ngân sách nhà nước gồm: tổng thu ngân sách nhà nước, chi tiết cơ cấu thu theo khu vực; tổng chi ngân sách nhà nước, chi tiết theo cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi dự trữ quốc gia, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi viện trợ, các khoản chi khác; các yếu tố tác động đến chi ngân sách nhà nước; cân đối ngân sách nhà nước; các chỉ tiêu về quản lý nợ công; dự báo những rủi ro tác động đến khung cân đối ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu quản lý về nợ công; các giải pháp tài chính nhằm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia.

Xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2021 - 2025: Dự báo tình hình kinh tế, tài chính, chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu tại địa phương có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách địa phương trong 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.

Việc xây dựng kế hoạch tài chính năm 5 năm của các tỉnh thành cũng phải xác định mục tiêu tổng quát của kế hoạch tài chính 5 năm của địa phương; mục tiêu, định hướng huy động và phân phối các nguồn lực của địa phương; khung về tài chính - ngân sách của địa phương trên cơ sở các chính sách, chế độ hiện hành…

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan trung ương có liên quan lập kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định, đảm bảo tiến độ theo quy định tại Nghị định số 45/2017/NĐ-CP.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp nhu cầu của doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp công lập về vốn vay, trả nợ được Chính phủ bảo lãnh và vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, để xây dựng hạn mức bảo lãnh Chính phủ 5 năm và hạn mức vay về cho vay lại 5 năm, báo cáo Quốc hội quyết định.

Bộ Tài chính cũng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2021 trình cấp thẩm quyền, gửi các địa phương để hoàn thiện kế hoạch tài chính 5 năm địa phương, trình Hội đồng nhân dân phê duyệt.

Hồng Thiết