TĐKT - Ngày 2/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Lễ ký Hiệp định viện trợ và các văn kiện pháp lý liên quan của dự án “Hỗ trợ hiện đại hóa hệ thống thuế”, trị giá khoảng 4,2 triệu USD do Quỹ Hỗ trợ Phát triển nguồn nhân lực chính sách của Nhật Bản viện trợ không hoàn lại ủy thác qua Ngân hàng Thế giới. Đến dự có Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ cải thiện hiệu quả quản lý thuế thông qua triển khai hệ thống quản lý rủi ro toàn diện và tái thiết kế quy trình nghiệp vụ hạ tầng công nghệ thông tin. Dự án cũng hỗ trợ hiện đại hóa khuôn khổ chính sách thuế thông qua đánh giá tác động thay đổi chính sách thuế.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đặt bút ký Hiêp định
Có thể nói, thời gian vừa qua cơ cấu thu từ thuế của Việt Nam đang có sự thay đổi theo hướng ngày càng chú trọng nhiều hơn vào các nguồn thu trong nước. Điều đó đem lại cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi phải tăng cường nỗ lực củng cố việc hoạch định chính sách thuế và hiện đại hóa quản lý thuế.
Ngân hàng thế giới cho rằng, hiện cần phải củng cố một số khâu quan trọng trong quy trình quản lý thuế, đặc biệt ở những lĩnh vực có tác động lớn đến tính tuân thủ của người nộp thuế, hiệu quả hoạt động và tính minh bạch. Khung chính sách thuế cần theo đuổi mục tiêu mở rộng diện thu và tái cân đối giữa các sắc thuế nhằm đảm bảo tác động nhất quán về huy động thu bền vững và giảm gánh nặng do thuế gây ra lên tăng trưởng và công bằng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, xã hội số nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là duy trì và đẩy mạnh thực hiện các chương trình, giải pháp để đơn giản hóa chính sách và thủ tục hành chính thuế, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và đạt được các mục tiêu Chiến lược cải cách hệ thống thuế.
Trong bối cảnh đó, nguồn lực hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm về tổ chức và quản lý, kinh nghiệm về thông lệ quốc tế cùng với các bài học kinh nghiệm thành công cũng như thất bại trong việc hiện đại hóa quản lý thuế... từ các nhà tài trợ quốc tế có vai trò quan trọng đối với công cuộc cải cách thuế hiện nay nhằm kết hợp nguồn lực sẵn có trong nước với nguồn lực bên ngoài để từng bước hình thành sức mạnh tổng hợp, nhằm tạo điều kiện phát triển bền vững.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Hỗ trợ hiện đại hóa hệ thống thuế” dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 4 năm, từ 2019 – 2023 sẽ góp phần thực hiện chiến lược cải cách chính sách và hành chính thuế, hỗ trợ các hoạt động xây dựng thể chế, chính sách thuế minh bạch, hoàn thiện, nâng cao năng lực quản lý thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế.
Theo đó, Dự án hỗ trợ kỹ thuật này sẽ tạo tiền đề để tiếp tục triển khai các dự án cải cách, hiện đại hóa quản lý thuế trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế ở Việt Nam, góp phần làm chuyển đổi hệ thống thuế của Việt Nam phù hợp với thông lệ chung của các hệ thống thuế hiện đại trên thế giới, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) Ousmane Dione cho biết, hỗ trợ của WB với dự án này thể hiện cam kết lớn hơn của WB trong việc phối hợp với Việt Nam tăng cường hiệu quả thu chi ngân sách và triển khai những cải cách tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Ông cũng hy vọng “Tập trung vào hệ thống thuế, dự án sẽ giúp cải thiện huy động nguồn lực trong nước, đây là trụ cột quan trọng để củng cố tài khóa”.
Hồng Thiết