TĐKT - Sáng 2/6, tại Hà Nội, Học viện Quân y, Hội Ghép tạng Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học tổng kết thành tựu 25 năm ghép tạng Việt Nam. Tới dự, có: GS, TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; GS, TS. Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam; GS, TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y.
Hội nghị được tổ chức nhằm kỷ niệm ngày ca ghép tạng đầu tiên được thực hiện thành công tại Việt Nam, tôn vinh các nhà khoa học có nhiều công lao, đóng góp cho ngành ghép tạng Việt Nam. Đồng thời, đây là diễn đàn trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đề cập một số vấn đề cần đặt ra cho sự nghiệp phát triển của chuyên ngành ghép tạng tại Việt Nam.
GS, TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS, TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết: ghép tạng là một trong những thành tựu lớn nhất của y học. Đến nay, ghép tạng đã trở thành một biện pháp điều trị rộng rãi và có hiệu quả đối với nhiều bệnh lý, cứu sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Đến nay, kỹ thuật ghép tạng trên thế giới đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thời gian sống sau ghép của bệnh nhân đã tăng đáng kể (trên 30 năm với ghép thận, trên 25 năm với ghép gan, trên 20 năm với ghép tim), chất lượng cuộc sống sau ghép của bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt và có thể hòa nhập với cộng đồng trong lao động, học tập, kết hôn và sinh con...
Ước mơ ghép tạng đã được các nhà khoa học Việt Nam thai nghén từ trong những năm tháng còn khói lửa chiến tranh, nhưng do điều kiện khó khăn của đất nước, ước mơ đó chưa thành hiện thực. Đầu những năm 70 của thế kỷ XX, Học viện Quân y đã ghép thận thực nghiệm. Sau khi đoàn cán bộ đầu tiên đi học tập về ghép tạng từ Cu Ba về nước, với sự quyết tâm cao của ngành Y tế, sự kết hợp quân dân y và những nỗ lực của các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Đài Loan, ngày 4/6/1992, trường hợp ghép thận đầu tiên ở Việt Nam đã được thực hiện thắng lợi. Thành công này đã viết lên trang sử mới cho nền y học nước nhà, đánh dấu mốc son trên bản đồ ghép tạng và khởi đầu cho một chuyên ngành mới ở nước ta - chuyên ngành ghép tạng. Từ đó đến nay, chuyên ngành ghép tạng Việt Nam, trực tiếp là Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y đã tiến hành ghép gan (2004), ghép tim (2010), ghép đồng thời đa tạng thận - tụy (2014) và ghép phổi (2017). Sau 25 năm, nước ta đã có 18 cơ sở (trong đó có cả bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện ngành) có đủ điều kiện để tiến hành ghép tạng.
Tuy nhiên, chuyên ngành ghép tạng còn gặp nhiều khó khăn. Đó là có nhân lực, kỹ thuật trong tay, nhưng nguồn tạng để ghép lại thiếu, chi phí thực hiện ghép tạng cao… Đến nay, cả nước mới chỉ có khoảng hơn 1.500 ca ghép tạng được thực hiện. Con số đó là quá ít ỏi so với nhu cầu của người bệnh. Theo các thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên cả nước có khoảng 6000 người suy thận mạn tính cần được ghép thận, 300.000 người bị mù lòa vì các bệnh lý giác mạc cần được ghép giác mạc… Theo số liệu điều tra sơ bộ mới thực hiện tại 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội với 4.143 người bệnh gan thì có đến 1.353 người được chỉ định ghép gan. Như vậy, nhu cầu được ghép tạng là quá lớn, trong khi số người cho, hiến tạng ở nước ta quá hiếm hoi. Đa phần các tạng được ghép đều là những ca ghép tạng cùng huyết thống, do chính anh, chị, em… trong gia đình người bệnh hiến tặng cho họ.
GS, TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cán bộ y, bác sĩ Học viện Quân y chụp ảnh lưu niệm với các bệnh nhân ghép gan, ghép phổi đầu tiên tại bệnh viện
GS, TS. Đỗ Quyết nhấn mạnh: để chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam tiếp tục phát triển, mang lại cơ hội kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân suy tạng, chúng ta cần tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh các loại hình ghép tạng truyền thống, tăng cường ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng và kết quả ghép tạng. Xây dựng quỹ hỗ trợ ghép tạng, duy trì, phát huy vai trò của Hội Ghép tạng để trao đổi, học tập, nâng cao trình độ của chuyên ngành.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành công và đóng góp của chuyên ngành ghép tạng đối với nền y học nước nhà 25 năm qua. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến mong muốn các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân, nhất là các cơ quan báo chí, truyền thông cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động về việc hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người... để ngành Y có đủ nguồn tạng cứu chữa bệnh nhân và có điều kiện nghiên cứu nâng cao trình độ y khoa, phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nguyệt Hà