TĐKT - Đến Nghệ An vào những ngày tháng năm lịch sử, trong không khí hào hùng giàu truyền thống của những người công nhân, lao động Nhà máy Điện Vinh năm xưa và Công ty Điện lực Nghệ An hôm nay, chúng tôi đã được gặp gỡ một người lao động có hoàn cảnh rất đặc biệt, đó là anh Vũ Thanh Hồng công nhân Xí nghiệp dịch vụ Điện lực Nghệ An thuộc Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc. Khi tiếp xúc với anh Hồng, ấn tượng mà chúng tôi nhớ mãi đó là hình ảnh người công nhân di chuyển trên chiếc xe lăn với nụ cười hiền hậu và một phong thái rất tự tin.
Anh Vũ Thanh Hồng, công nhân Xí nghiệp dịch vụ Điện lực Nghệ An thuộc Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc - tấm gương vượt lên số phận
Trò chuyện với anh Hồng và những đồng nghiệp của anh, chúng tôi được biết khi lên 5 tuổi Hồng bị sốt cao dẫn đến biến chứng khiến anh bị bại liệt toàn thân và 3 chi, anh chỉ có thể cử động được một cánh tay.
Hồng là người ham học và không đầu hàng số phận, đến tuổi đi học, Hồng được các bạn bè thay nhau cõng đến trường bằng tất cả sự cảm phục và tình yêu thương của các bạn cùng trang lứa. Sự giúp đỡ của các bạn và thầy cô chính là nguồn động lực rất lớn giúp cho Hồng vượt qua được nỗi mặc cảm của người khuyết tật vươn lên trong học tập.
Với sự thông minh và chăm học, kết quả học tập của Hồng luôn đạt thành tích cao. Hồng học giỏi các môn tự nhiên, năm 2003, Hồng đã đạt được giải trong cuộc thi Tin học trẻ không chuyên của tỉnh Nghệ An. Không những học giỏi, Hồng còn là một trong nững thành viên rất tích cực trong mọi hoạt động của Câu lạc bộ khuyết tật của tỉnh.
Sinh ra từ một gia đình giàu truyền thống của ngành điện Cách mạng Việt Nam, có bố là ông Vũ Thanh Phong nguyên là cán bộ, công nhân viên của Công ty Điện lực Nghệ An, từ nhỏ Hồng đã có nhiều ấn tượng tốt đẹp về ngành của bố. Hình ảnh của những người công nhân vất vả, không kể nắng mưa, đêm ngày, đặc biệt là những cố gắng, nỗ lực khắc phục sự cố để cấp lại điện cho nhân dân đã in đậm trong trái tim của Hồng khi còn bé thơ.
Bên cạnh đó, sự đùm bọc, chia sẻ, động viên kịp thời từ những người đồng nghiệp của bố và những phần quà tuy nhỏ bé nhưng hết sức ý nghĩa từ các tổ chức đoàn thể của ngành điện đã giúp cho Hồng có thêm nghị lực và cố gắng quyết tâm trở thành người có ích trong xã hội.
Anh luôn có những ý kiến đổi mới khi trao đổi trong công việc đồng nghiệp
Biết ngành điện là một ngành đặc thù, công việc nặng nhọc, nguy hiểm và hầu hết những người công nhân hằng ngày vẫn phải thực hiện công việc ngoài hiện trường; chính vì vậy yêu ngành điện là thế, nhưng với sức khỏe và hoàn cảnh của mình, anh Hồng không dám ước mơ sẽ nối nghiệp của cha. Anh Hồng cho biết, từ khi tham gia Câu lạc bộ khuyết tật của tỉnh và chứng kiến những hy sinh, vất vả của cha mẹ, Hồng luôn đau đáu sẽ cố gắng học một nghề gì đó để nuôi sống bản thân và để bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Với những điểm mạnh về máy tính và các môn tự nhiên, sau khi tốt nghiệp cấp 3 Hồng đã thi và theo học trường Trung cấp nghề của tỉnh Nghệ An với chuyên ngành về công nghệ thông tin.
Chia sẻ với chúng tôi anh Hồng xúc động: “Với hoàn cảnh của một người khuyết tật, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ được nhận vào làm việc tại ngành điện...” Xét điều kiện, hoàn cảnh và trình độ kiến thức của Hồng, sau khi tốt nghiệp chuyên nghiệp năm 2007, Hồng được nhận vào làm việc tại Công ty Điện lực Nghệ An.
“Đó là một món quà không thể đong đếm bằng giá trị và niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời tôi” - Hồng chia sẻ, “nếu không có sự quan tâm đặc biệt của ngành điện đối với xã hội nói chung, những hoàn cảnh éo le, đặc biệt là con em CBCNV, thì chắc hẳn những người khuyết tật như tôi không bao giờ được có cơ hội cống hiến cho sự nghiệp của ngành điện và tự nuôi sống bản thân”.
Anh thường xuyên tự di chuyển từ nơi làm việc về nhà bằng chiếc xe máy ba bánh
Được nhận vào làm việc tại Công ty và được phân công về Phân xưởng tư vấn thiết kế, mọi công việc lúc ấy cũng rất mới mẻ và không ít khó khăn với Hồng. Lúc đầu cơ quan làm việc làm việc ở tầng cao và tòa nhà không có thang máy, hàng ngày Hồng phải nhờ các đồng nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ cõng từ tầng một lên phòng làm việc và ngược lại.
Để giải quyết sự bất tiện đó và để tạo điều kiện tốt nhất về điều kiện làm việc cho người công nhân khuyết tật, lãnh đạo Công ty đã sắp xếp phòng làm việc của Hồng tại tầng 1 tòa nhà. Hơn thế nữa, ngoài được tạo điều kiện trong công việc Hồng còn nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ từ các đồng nghiệp trong sinh hoạt hàng ngày. Tất cả những việc làm đó khiến Hồng càng nỗ lực hơn, vượt qua những mặc cảm của số phận và cố gắng tự tin để vươn lên từng ngày.
Do rất yêu thích công việc lập dự toán, trong quá trình làm việc, anh Hồng luôn học và tự học để nâng cao kiến thức. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ tích cực của đồng nghiệp, Hồng đã nhanh chóng nắm bắt công việc và phát huy được khả năng của mình. Những công việc được giao Hồng đều hoàn thành tốt, vượt thời gian so với nhiều đồng nghiệp khác. Nhìn anh thao tác rất nhanh trên máy tính với chỉ một tay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và khâm phục.
Với khả năng máy tính và chuyên môn rất chắc, rất giỏi của mình, Hồng đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn các đồng nhiều đồng nghiệp những vấn đề liên quan đến công tác chuyên môn và trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Rời nơi làm việc, trên chiếc xe lăn, Hồng đã dẫn chúng tôi về thăm gia đình mình. Đón chúng tôi có mẹ và vợ của anh Hồng (bố Hồng đã mất gần 10 năm). Vợ Hồng là một người phụ nữ nhỏ bé, chị tên là Bạch Thị Hương, hiện đang công tác tại Trung tâm thí nghiệm điện Nghệ An. Khi được hỏi về mình, chị gần như không nhắc đến những gì mình đang hy sinh vì chồng, vì gia đình.
Mẹ Hồng cho chúng tôi biết: Nhiều năm nay sức khỏe bà không được tốt lại thêm chứng đau lưng, gần như toàn bộ công việc chăm lo vệ sinh đến sinh hoạt cá nhân nhỏ nhất hàng ngày của Hồng, cũng như việc chăm lo cho mẹ chồng và 2 đứa con đều do một mình chị Hương gánh vác.
Chị Bạch Thị Hương - vợ anh Vũ Thanh Hồng, người phụ nữ vượt qua tất cả đến với anh Hồng bằng tình yêu chân thành
Mẹ anh Hồng nhớ lại: Hai người phát sinh tình cảm khi chị được nhờ đến chăm anh trong thời gian phẫu thuật. Với tính chịu thương chịu khó của người phụ nữ thôn quê, chị Hương đã làm cho anh Hồng mến phục và tình yêu cứ thế đến với họ từ lúc nào không biết.
Vượt qua tất cả, bằng tình yêu chân thành dành cho anh, chị Hương quyết định làm vợ của Hồng - một người khuyết tật. Tình yêu của chị Hương chính là liều thuốc đặc biệt đã giúp anh Hồng càng nỗ lực hơn để vượt qua chính mình. Cuộc sống không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả, những điều kỳ diệu đã mang đến niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao cho anh chị Hồng, Hương; họ đã có với nhau 2 người con, một trai và một gái.
Anh Nguyễn Hồng Tuấn - Chủ tịch Công đoàn của Xí nghiệp dịch vụ Điện lực Nghệ An, Công ty dịch vụ Điện lực miền Bắc cho biết, anh đã gắn bó với anh Hồng 12 năm ngay từ những ngày đầu anh Hồng mới vào làm việc tại công ty. Anh Tuấn cũng chia sẻ về đồng nghiệp đặc biệt của mình, mặc dù hoàn cảnh rất khó khăn, tuy nhiên anh Hồng là người làm việc có chuyên môn tốt và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Các đoàn thể nói chung và tổ chức công đoàn nói riêng, luôn tạo điều kiện tốt nhất để một người như Hồng được làm việc một cách thuận lợi nhất, ngay cả việc di chuyển đi lại để làm việc trong xí nghiệp. Bên cạnh đó, công đoàn có những chế độ thăm hỏi rất kịp thời để Hồng không cảm thấy bị mặc cảm và tự tin hòa đồng với những đồng nghiệp, quên đi hoàn cảnh của mình. Chính những điều đó đã giúp Hồng có những đóng góp tích cực trong nhiệm vụ được giao, nhận được sự tin tưởng và ghi nhận của lãnh đạo trong suốt thời gian qua.
Anh Đặng Phước Long - Phó Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ Điện lực Nghệ An đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực và cố gắng trong công việc của Hồng. Với tinh thần, trách nhiệm cao và đức tính cần cù, chịu khó anh Hồng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Hồng cũng là một người sống chan hòa, thân thiện và dễ mến với đồng nghiệp. Hơn nữa, trong công việc, với thế mạnh về chuyên môn và công nghệ thông tin, anh Hồng đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ để mọi người cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Là một trong những lãnh đạo trong Xí nghiệp dịch vụ Điện lực Nghệ An, anh Long luôn lấy anh Hồng để làm tấm gương vượt khó trong cuộc sống và công việc để khích lệ tinh thần làm việc của CBCNV trong xí nghiệp.
Anh Long chia sẻ thêm: Trường hợp anh Hồng được nhận vào làm việc tại đơn vị đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo ngành điện nói chung và Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói riêng. Việc tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc, tạo cho họ cơ hội để phát triển năng lực, trình độ của mình, góp sức nhỏ bé của mình là một việc làm hết sức nghĩa tình, đầy đạo lý và nhân văn của ngành điện Việt Nam.
Anh Long cho rằng: Mỗi một cán bộ ngành điện sẽ tự hào hơn và yêu hơn công việc của mình khi được chứng kiến sự quan tâm của lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể đối với anh Hồng, đó chính là những việc làm thiết thực góp phần giúp những người khuyết tật hòa nhập cuộc sống, bớt đi những khó khăn trong cuộc sống đời.
Với truyền thống 50 năm Tổng công ty Điện Lực miền Bắc và đặc biệt 65 năm truyền thống ngành điện Việt Nam, anh Long muốn ngành điện sẽ dành những cơ hội và điều kiện nhiều hơn nữa đến những người khuyết tật là con em CBCNV trong ngành điện cũng như những người khuyết tật ngoài xã hội có cơ hội được cống hiến và làm việc.
Hình ảnh người công nhân hàng ngày đến nơi làm việc trên chiếc xe lăn, đó là những minh chứng thiết thực nhất của sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của người công nhân ngành điện khuyết tật Vũ Thanh Hồng. Qua đó cũng thể hiện truyền thống tương thân, tương ái trong suốt 65 năm qua của ngành điện Cách mạng Việt Nam và truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành của Tổng công ty Điện lực miền Bắc.
Ngành điện không những thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, đó là đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước mà còn làm tốt các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội.
Hoạt động của các tổ chức đoàn thể của ngành điện nói chung và Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói riêng đã giúp đỡ được rất nhiều trường hợp khó khăn... Hoàn cảnh đặc biệt của anh công nhân Vũ Thanh Hồng là một minh chứng nói lên việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn đó. Người khuyết tật được tạo công ăn việc làm, được cống hiến sức lực, trí tuệ, được phát huy năng lực, sở trường, làm ra của cải, vật chất nuôi sống bản thân và góp ích cho xã hội.
Anh Hồng luôn dành được sự quan tâm và hỗ trợ từ đồng nghiệp
Anh Hồng chỉ là một trong những hàng ngàn tấm gương vượt khó vươn lên của những người khuyết tật, nhưng anh là một trường hợp khá đặc biệt đối với CBCNV ngành điện, một ngành với tính chất công việc đặc thù, vất vả và nguy hiểm.
Anh Vũ Thanh Hồng là một tấm gương không đầu hàng trước hoàn cảnh của mình mà đã vươn lên trở thành một người có ích cho xã hội. Tấm gương của anh Hồng cần được lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành điện Việt Nam.
Anh đã để lại một cách nhìn nhận rõ nét hơn về người khuyết tật "tàn nhưng không phế", anh Hồng có quyền tự hào về những gì mình đang cống hiến, sống không buông xuôi mà sống bằng nghị lực phi thường của mình, vượt lên chính mình. Sự góp sức nhỏ bé của anh Hồng đã góp phần viết lên những thành công của Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói riêng và ngành điện Việt Nam nói chung.
Nguyên Ngọc - Việt Hạnh