TĐKT - Vượt qua khó khăn, chịu khó học hỏi, chị Bùi Thị Thủy, xóm Trung (xã Bình Cảng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương với mô hình nuôi gà thả vườn.
Chị Thủy chăm sóc đàn gà của gia đình
Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp, ngay từ nhỏ chị Thủy đã quen với công việc của nhà nông. Tuy nhiên, chị chỉ thực sự bắt tay vào phát triển kinh tế từ nuôi gà từ năm 2014.
Khi đó, nhận thấy điều kiện tự nhiên ở Bình Cảng có nhiều thế mạnh để phát triển chăn nuôi, chị đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây chuồng nuôi gà và nhập gà giống.
Thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật chăn nuôi và chưa có kinh nghiệm, lứa gà đầu tiên của gia đình chị cho năng suất thấp do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Tuy nhiên, điều đó không làm chị nản lòng mà càng thêm phần quyết tâm thành công với mô hình này.
Để có kiến thức chăn nuôi gà thả vườn, ngoài việc học hỏi từ sách, báo, ti vi, mạng, chị còn trực tiếp đi đến những mô hình đã thành công ở địa phương ngoài tỉnh Hòa Bình để học hỏi.
Sau thời gian học hỏi, với số vốn gần 100 triệu đồng, chị Thủy cùng gia đình tiếp tục đầu tư nuôi gà theo quy mô trang trại, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường.
Theo chị Thủy, nuôi gà thả vườn tận dụng được nguồn thức ăn tươi là các loại côn trùng và cây cỏ tự nhiên, dịch bệnh ít xảy ra, chi phí đầu tư thấp hơn so với nuôi nhốt. Thịt gà chắc, ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Chị Thủy cũng đăng ký tham gia hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Huy Tuấn. Bởi theo chị, việc tham gia HTX mang lại nhiều lợi ích. Chị không chỉ được HTX giúp đỡ về kỹ thuật chăn nuôi, thú y mà còn được tư vấn, hỗ trợ sử dụng những loại thức ăn tốt giúp phát triển toàn diện cho đàn gà. Đồng thời được kết nối, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Lứa gà thử nghiệm đầu tiên với trên 200 con của chị đã mang lại hiệu quả. Từ thành công bước đầu, chị Thủy tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi gà với số lượng lớn. Giống gà được chị lựa chọn là gà Lượng Huệ bởi theo chị giống gà này có sức chống chọi tốt với dịch bệnh, chất lượng thịt cao.
Ngoài thức ăn là lúa, ngô, chị Thủy tận dụng các loại rau trộn với cám để làm thức ăn cho gà. Nhờ vậy, đàn gà phát triển tốt, chất lượng thịt được thị trường ưa chuộng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà thả vườn, chị Thủy cho biết: Nuôi gà thả vườn không khó, nhưng để nuôi gà thả vườn thành công mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu đòi hỏi người chăn nuôi phải tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật, thường xuyên tham khảo báo đài, kinh nghiệm người đi trước áp dụng vào thực tế chăn nuôi hộ gia đình. Điều quan trọng là nắm được các loại bệnh, chăm sóc đúng cách, bổ sung dinh dưỡng, phòng, trừ bệnh đầy đủ là đã thành công hơn nửa.
Hiện tại, đàn gà của chị cứ 3 - 4 tháng chị Thủy có thể xuất bán. Mỗi con khi xuất nặng trung bình khoảng 1,7 kg. Sau khi trừ các chi phí, trung bình mỗi năm chị thu về khoảng trên 170 triệu đồng. Từ vài trăm con, đến nay, đàn gà của gia đình chị đã mở rộng trên 3.000 con các loại, mỗi năm xuất từ 2 - 3 lứa.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, chị Thủy luôn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ các hộ trong vùng để cùng phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo và làm giàu bền vững.
Mô hình nuôi gà Lượng Huệ của gia đình chị đã đem lại thành công và nguồn thu nhập ổn định. Đây được coi là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở xã Bình Cảng nói riêng và toàn huyện Lạc Sơn nói chung.
Không chỉ là một tấm gương làm kinh tế giỏi ở Bình Cảng, chị Thủy còn là là một cán bộ dân số trách nhiệm, hết mình với công việc. Theo chị Thủy, là một người cán bộ gương mẫu, ngoài việc làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của một người cán bộ nhà nước thì cần phải biết làm kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Việc phát triển kinh tế trang trại thành công còn giúp ích cho chị rất nhiều trong công tác tuyên truyền, vận động người dân trong xã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới của xã Bình Cảng.
Tuệ Minh