TĐKT - Đến thôn Yên Mỹ (xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) không ai là không biết đến ông Nguyễn Xuân Đô. Ông không chỉ là người tiên phong thực hiện hiệu quả mô hình kinh tế nuôi cá lồng trên sông mà còn giúp nhiều bà con địa phương cùng vươn lên làm giàu từ mô hình này.
Ông Đô bên mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng của gia đình
Gắn bó với công việc nhà nông và việc nuôi cá thả ao từ lâu nhưng theo ông Đô, việc thả cá theo phương pháp truyền thống không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi vậy, cuộc sống gia đình cũng chỉ đủ ăn.
Ông luôn suy nghĩ, trăn trở tìm cách vươn lên làm giàu. Tình cờ trong một chuyến thăm quan mô hình kinh tế năm 2015 do Hội Nông dân xã tổ chức, ông được biết đến mô hình nuôi cá trong lồng trên sông Hồng.
Nhận thấy mô hình này phù hợp với điều kiện tự nhiên ở một xã ven sông như Chuyên Ngoại, ông quyết tâm sẽ đầu tư và đổi mới phương thức nuôi cá truyền thống của gia đình.
Nghĩ là làm, được sự ủng hộ từ gia đình và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Đô đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá trong lồng với khởi đầu 45 lồng cá và trở thành người nông dân đầu tiên trong xã thử nghiệm mô hình phát triển kinh tế này.
“Thời gian đầu thử nghiệm mô hình này, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thêm vào đó, lứa đầu tiên này của ông gặp phải cơn bão lớn đợt tháng 7 năm 2016 khiến đàn cá đã theo dòng nước lớn bơi ra khỏi lồng, bao nhiêu tiền đầu tư nuôi cá coi như mất trắng”. - ông Đô chia sẻ.
Tuy nhiên, thất bại này không làm ông nản lòng. Để có thêm kinh nghiệm nuôi cá trong lồng, ông tự mày mò nghiên cứu qua sách, báo, mạng. Ông cũng tự mình đến một số mô hình này ở các tỉnh lân cận Hà Nam để tìm hiểu, học hỏi.
Sau khi đã nắm vững kỹ thuật nuôi, ông quyết định nuôi các loại cá đặc sản như cá lăng, cá chiên, diêu hồng, chép giòn và trắm cỏ, là những loại cá được thị trường ưa chuộng và có giá trị kinh tế. Cứ lứa này gối lứa khác, cho thu hoạch quanh năm.
Lứa cá đầu tiên đem lại thu hoạch vào cuối năm 2017, năng suất mỗi lồng đạt 3 - 4 tấn, có lồng được hơn 5 tấn cá thương phẩm. Trừ chi phí bình quân, số lãi mà ông thu được từ bán cá khoảng 35 - 45 triệu đồng/lồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi một số loại cá trong lồng, ông Đô cho biết: Đối với giống cá chép giòn, người nuôi phải đặc biệt chú ý đến khâu thu hoạch. Đây là loại cá hay bị vỡ cơ nên khi thu hoạch phải nhẹ nhàng.Với giống cá lăng và diêu hồng phải phòng bệnh tốt bằng cách buộc túi vôi bột xung quanh lồng, cho tắm muối để khử trùng, giảm thiểu bệnh nấm, dịch mắt đỏ.
Cũng theo ông Đô, nuôi cá trong lồng có ưu điểm hơn so với nuôi cá truyền thống ở chỗ, nhờ có dòng nước lưu thông trên sông Hồng, người chăn nuôi không phải lo lượng thức ăn thừa, phân cá như nuôi trong ao. Do đó giảm được khâu xử lý môi trường ao nuôi và thời gian nghỉ của ao sau mỗi vụ, từ đó giảm nhiều chi phí, nâng cao thu nhập.
Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu cho nuôi cá trong lồng lớn, rủi ro cao nhất là do thiên tai, khi vào mùa bão lũ. Chính vì vậy phải nắm chắc kỹ thuật nuôi cũng như áp dụng tốt biện pháp phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó công tác phòng bệnh cho đàn cá cũng rất quan trọng.
Mô hình nuôi cá lồng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông Đô mà còn giải quyết việc làm cho 25 - 30 lao động tại địa phương, với thu nhập bình quân 150.000 đồng/người/ngày.
Từ thành công với mô hình này, ông Đô tiếp tục mở rộng mô hình, đồng thời vận động được 28 hộ trong xã tham gia với tổng số trên 150 lồng cá. Những hộ dân tham gia được ông giúp đỡ con giống cũng như kinh nghiệm chăn nuôi. Đa số các hộ đều đã thành công với mô hình này.
Để việc chăn nuôi cá lồng trên địa bàn xã hoạt động chuyên nghiệp, không manh mún, năm 2017, xã Chuyên Ngoại đã thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản do ông Đô làm tổ trưởng.
Với sự dẫn dắt của ông, tổ hợp tác đã hoạt động hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các tổ viên.
Tùng Chi