TĐKT - Sáng 10/7, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tập đoàn Michinori Holdings phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội và Tổng công ty Vận tải Hà Nội tổ chức Hội thảo "Phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản".
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án "Hợp tác phổ biến kinh nghiệm vận hành - quản lý vận tải xe buýt" do JICA cùng Tập đoàn Michinori Holdings thực hiện tại Hà Nội.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị đã giới thiệu tổng quan về tình hình giao thông công cộng tại Hà Nội; những thách thức và cơ hội cho việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng an toàn, thân thiện, bền vững.
Hà Nội hiện có 8 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch; 1 tuyến BRT; mạng lưới xe buýt bao phủ 100% quận, huyện, 98% bệnh viện, 100% trường học, 86% khu công nghiệp, 90% khu đô thị; 20.000 taxi truyền thống, trên 25.000 uber taxi...
Vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đang phải đối diện với những thách thức: Hạ tầng vận tải hành khách công cộng chưa đầy đủ, đồng bộ, ổn định (thiếu quỹ đất cho điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, làn đường xe buýt, tỷ lệ nhà chờ thấp, hạ tầng giao thông đi bộ thiếu và bất cập...). Sự tăng trưởng hành khách công cộng không cao, chưa tương xứng với sự đầu tư phương tiện, mạng lưới...
Tuy nhiên, những cơ hội trước mắt rất nhiều: Những chủ trương, chính sách mới tạo điều kiện triển khai các giải pháp hiệu quả, thu hút nguồn lực để phát triển mạng lưới bền vững; sự ra đời của các loại hình mới (BRT, đường sắt đô thị) là cơ hội cho việc tổ chức lại mạng lưới, thay đổi thói quen, thu hút người sử dụng; sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tạo điều kiện cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng tính hấp dẫn, tiện nghi của hệ thống; nhận thức của cộng đồng tiếp tục được cải thiện, tạo sự chuyển đổi thói quen sang sử dụng vận tải hành khách công cộng...
Tại Hội thảo, đại diện của Bộ Đất đai Hạ tầng giao thông và Du lịch chia sẻ các biện pháp và chính sách thúc đẩy và duy trì sự phát triển bền vững của giao thông công cộng tại Nhật Bản; các Luật và chính sách liên quan đến tái cơ cấu mạng lưới giao thông công cộng, tạo nền tảng cho người dân, người sử dụng phương tiện công cộng, cơ quan quản lý, doanh nghiệp vận tải, chuyên gia...cùng thảo luận, xây dựng, hoàn thiện mạng lưới. Giới thiệu các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy việc sử dụng công nghệ tiên tiến hướng đến thành phố thông minh, giao thông thông minh mà Chính phủ Nhật Bản đứng ra phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện, ví dụ như phổ cập dịch vụ giao thông thông minh (MaaS), xây dựng kho dữ liệu mới (open - data), các công nghệ sẽ là công cụ giúp tăng hiệu quả của giao thông công cộng, tăng tính tiện dụng, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.
Các chuyên gia đến từ Nhật Bản cũng chia sẻ kinh nghiệm về các phương pháp xây dựng hạ tầng giao thông công cộng giúp thúc đẩy việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng và cải thiện chất lượng giao thông công cộng; giới thiệu cách bố trí, thiết kế các đầu mối trung chuyển giao thông, các làn đường ưu tiên, giúp giảm ùn tắc, tạo không gian giao thông thông thoáng, tiện dụng, tiết kiệm thời gian đi lại cho tất cả các thành phần tham gia giao thông.
Ban tổ chức mong muốn các kinh nghiệm được chia sẻ trong Hội thảo, liên quan đến quản lý và phát triển mạng lưới giao thông công cộng, giảm các vấn đề xã hội như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tăng tính tiện lợi và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, đứng trên cả khía cạnh quản lý nhà nước và doanh nghiệp vận tải, sẽ là những gợi ý góp phần cải thiện tích cực và hiệu quả hệ thống vận tải hành khách bằng xe buýt tại Hà Nội nói riêng và giao thông công cộng tại Hà Nội nói chung.
Phương Linh