TĐKT - Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động được tham gia BHXH. Sau 10 năm triển khai, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2018 đến nay, cùng với định hướng chính trị thực hiện “BHXH toàn dân” được khẳng định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, công tác phát triển BHXH tự nguyện đã có nhiều bứt phá.
Phó Trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam Đinh Mai Hương cho biết, trong hơn 10 năm qua, việc thực hiện BHXH tự nguyện được thực hiện theo hai giai đoạn với những quy định khác nhau. Ở giai đoạn đầu, thực hiện BHXH tự nguyện theo Luật BHXH năm 2006 (Luật số 71/2006/QH11); giai đoạn tiếp theo là thực hiện theo quy định tại Luật BHXH Sửa đổi năm 2014 (Luật số 58/2014/QH13).
Quy định tại Luật BHXH Sửa đổi về BHXH tự nguyện là sự tổng kết kinh nghiệm 7 năm thực hiện Luật BHXH, trên cơ sở đó có những sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng tốt yêu cầu mở rộng diện bao phủ BHXH đến người lao động thuộc mọi khu vực của nền kinh tế.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện phát triển giúp nhiều người già có lương hưu
Kết quả, tính đến ngày 31/5/2019, toàn quốc có trên 360.000 người đang tham gia BHXH tự nguyện. Đây là con số khá khiêm tốn so với dư địa trên 30 triệu người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tiềm năng.
Việc phát triển BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn một mặt do những đặc điểm riêng của nhóm đối tượng lao động thuộc khu vực phi chính thức, mặt khác do những hạn chế ngay từ trong chính sách, có thể kể đến như:
Nhóm lao động phi chính thức làm việc theo chế độ linh hoạt là rất khó quản lý, họ hưởng lương, thu nhập khác từ nhiều nguồn khác nhau, không ổn định, không cố định về không gian, thời gian cụ thể.
Hiểu biết về chính sách BHXH, BHYT của nhiều người lao động chưa đầy đủ. Họ chủ yếu hiện nay mới chỉ quan tâm đến vấn đề tiền lương, thu nhập hằng tháng và lợi ích trước mắt mà chưa quan tâm đến việc phòng xa cho bản thân về sau này khi hết tuổi lao động.
Bên cạnh đó, trên thực tế, người lao động ở khu vực phi chính thức cũng thường bị ốm đau, thai sản, thất nghiệp cũng có xu hướng tăng cao. Do đó, nếu chúng ta không có chính sách tăng quyền lợi, mở rộng quyền lợi cho người lao động thì sẽ khó thu hút được họ tham gia BHXH tự nguyện.
Bà Đinh Mai Hương cho biết thêm: “Tôi xin đưa ra giả định người dân chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất hiện nay là mức thu nhập chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn, bằng 700.000 đồng/tháng; tương ứng với mức đóng BHXH là 154.000 đồng/tháng”. Người tham gia BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ bằng 10%, 25% đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo và 30% đối với người thuộc hộ gia đình nghèo tính trên mức đóng 154.000 đồng/tháng.
Như vậy, một người chỉ cẫn mỗi ngày tiết kiệm không đến 5.000 đồng để tham gia BHXH tự nguyện thì sau 20 năm đóng BHXH tự nguyện và khi đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ là đã được hưởng lương hưu.
Qua ví dụ này có thể thấy tính chất ưu việt của BHXH tự nguyện. Thời gian tới, BHXH Việt Nam tập trung chỉ đạo tăng cường tuyên truyền trực tiếp đến người dân để tham gia BHXH tự nguyện.
Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện và thân nhân được hưởng những quyền lợi sau:
Hưởng lương hưu (khi nam từ đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên và có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên). Được cấp thẻ BHYT để khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT khi đang hưởng lương hưu (không phải mua BHYT). Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với quỹ BHXH.
Người đang hưởng lương hưu, hoặc người đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên, khi qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần. Được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện với thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm. Thời gian đã đóng BHXH đều được ghi nhận để tính hưởng BHXH.
Trong hơn 10 năm qua, theo từng giai đoạn, BHXH Việt Nam có những giải pháp phù hợp để phát triển BHXH tự nguyện. Đặc biệt, kể từ sau Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, với định hướng chính trị thực hiện “BHXH toàn dân”, với sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, BHXH Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt.
Một là, đề xuất với Chính phủ tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện; hoặc linh hoạt hơn về mức hỗ trợ, như mức hỗ trợ tối thiểu bằng 30%, 25%, 10% để địa phương nào có điều kiện, kinh tế phát triển thì có thể hỗ trợ thêm một phần mức đóng cao hơn cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Hai là, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong chỉ tiêu phát triển kinh thế - xã hội của địa phương theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về giao chỉ tiêu phát triển BHXH; thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá, kiểm điểm những tồn tại, hạn chế nguyên nhân chậm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; đưa ra các giải pháp nhằm tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Ba là, BHXH Việt Nam tích cực phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức… tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu từ đó chủ động tham gia BHXH tự nguyện.
Bốn là, mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có điểm thu BHXH tự nguyện, có nhân viên đại lý thu. Hướng dẫn, tập huấn chính sách BHXH tự nguyện đối với nhân viên địa lý thu để phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến người dân.
Năm là, giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đối với BHXH cấp huyện và từng đại lý thu.
Sáu là, đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người tham gia BHXH tự nguyện.
La Giang