Nằm hai bên bờ sông Mã, với diện tích tự nhiên 146,77 km² cùng dân số trên 406.000 người, TPThanh Hóa là một trong những đô thị có quy mô dân số và diện tích lớn nhất của khu vực phía Bắc. Tọa lạc tại vị trí địa lý thuận lợi, mang trong mình nhiều tầng văn hoá, được công nhận là đô thị loại I, thành phố đã và đang vươn mình mạnh mẽ, thể hiện được vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thanh Hoá.
Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa
Kinh tế ngày càng phát triển
Nắm bắt thời cơ, tận dụng mọi nguồn lực chính là một trong những yếu tố giúp nền kinh tế thành phố ngày càng phát triển. Thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Các ngành dịch vụ ghi nhận bước phát triển về quy mô và chất lượng.
Thị trường hàng hóa phong phú về chủng loại, cơ bản ổn định về giá cả các mặt hàng tiêu dùng. Trong quý I năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa của Thành phố đạt 12.870 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 268,7 triệu USD. Các mặt hàng chủ yếu đã đem về những tín hiệu tích cực cho xuất khẩu địa phương là quần áo, giầy vải, dép xốp.
Lãnh đạo VNPT Thanh Hóa và lãnh đạo TP Thanh Hóa ấn nút khai trương tại buổi Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông
Với 50 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, nhiều lễ hội truyền thống độc đáo cùng dịch vụ lưu trú, lữ hành chất lượng, TP hanh Hóa đã thu hút ngày càng nhiều du khách. Chỉ tính riêng trong quý I năm nay, thành phố đã đón 670.000 lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm 98,4%.
Những địa điểm tập trung nhiều du khách phải kể đến: Thiền viện Trúc lâm Hàm Rồng, Thái miếu nhà Hậu Lê, khu Tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi, công viên Hội An…
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được giữ ổn định với một số ngành có giá trị sản xuất cao là dệt may, thủ công mỹ nghệ, chế biến thực phẩm, đá mỹ nghệ. Thực hiện Đề án “Khôi phục và phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn TP Thanh Hóa giai đoạn 2013 - 2020”, thành phố đã dành sự quan tâm cho đào tạo, dạy nghề, tăng cường quảng bá sản phẩm.
Lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm 2019 đạt 616,5 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nhận được sự hưởng ứng của hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Nhờ quy hoạch mang tầm chiến lược và đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư, thành phố đã xây dựng được cơ sở hạ tầng khang trang, kết nối đồng bộ hạ tầng đô thị gắn với phát triển kinh tế, xã hội.
Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được tiến hành minh bạch, công bằng, thỏa đáng, nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Trong quý I năm 2019, thành phố đã bồi thường, giải phóng mặt bằng 24 dự án, thu hồi 121.697,80 m2 đất. Thanh Hóa cũng đẩy mạnh việc gìn giữ cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực
Để người dân được thụ hưởng đời sống tinh thần phong phú, thành phố thường xuyên tổ chức các chương trình văn nghệ, thể thao, hoạt động sinh hoạt cộng đồng, lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc. Hội diễn Vovinam các câu lạc bộ Thanh Hóa, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, chạy việt dã thành phố Thanh Hóa… đã được tổ chức thành công, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.
Văn hóa cơ sở tiếp tục được chú trọng với 15/20 phường đạt chuẩn văn minh đô thị, 11/17 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới trong 3 tháng đầu năm 2019.
Lãnh đạo tỉnh, thành phố và các nhà tài trợ trao phần thưởng cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích cao trong thi đấu Giải chạy tập thể, việt dã TP Thanh hóa lần thứ XII
Thế hệ trẻ Thanh Hóa được học tập, rèn luyện trong môi trường lý tưởng với cơ sở vật chất đồng bộ, thầy cô giáo tận tâm, phương pháp giảng dạy hiện đại. Học sinh thành phố đã đạt thành tích cao trong các cuộc thi Tìm hiểu kiến thức an toàn giao thông, khoa học kỹ thuật… các cấp.
Không chỉ dành sự quan tâm cho công tác đào tạo thế hệ trẻ, thành phố cũng áp dụng nhiều biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, y tế dự phòng. Chế độ đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được đảm bảo đầy đủ, đúng quy định.
Với điểm tựa là những thành tích đã đạt được, cán bộ và nhân dân địa phương sẽ tiếp tục phấn đấu đưa TP Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm tài chính, du lịch, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe của vùng phía Nam Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.